Hillary Clinton và cơ hội làm thay đổi lịch sử nước Mỹ

ANTĐ - Cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ Hillary Rodham Clinton vừa chính thức tuyên bố sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016. Bất kỳ một động thái nào liên quan đến chiếc ghế của ông chủ Nhà Trắng cũng khiến cả thế giới quan tâm. Và việc, bà Hillary đã trở thành ứng cử viên đầu tiên của Đảng Dân chủ tuyên bố tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng đã là sự kiện được dư luận quan tâm vào tuần qua.

Nếu được chọn làm ứng cử viên của Đảng Dân chủ, bà Hillary sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ đại diện cho một chính đảng lớn ra tranh cử Tổng thống. Với uy tín chính trị của bản thân và sự ủng hộ của người dân Mỹ, cơ hội để bà Hillary thay đổi lịch sử nước Mỹ và trở thành vị nữ Tổng thống đầu tiên của xứ cờ hoa đang ngày một lớn dần.

Hillary Clinton và cơ hội làm thay đổi lịch sử nước Mỹ ảnh 1Một khoảnh khắc tình tứ của vợ chồng Bill -Hillary Clinton

Ứng cử viên sáng giá nhất của đảng Dân chủ

Trong cuộc bầu cử năm 2008, bà Hillary cũng tham gia chạy đua để trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ, song thất bại trước đương kim Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, hiện nay bà được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất của đảng này. Kết quả thăm dò mới nhất của NBC/WSJ cho thấy nữ chính khách này nhận được sự ủng hộ của 44% cử tri Mỹ, trong khi tỷ lệ phản đối là 36%. Trong nội bộ phe Dân chủ, có tới 86% số người được hỏi nói rằng họ có thể ủng hộ bà Hillary. Một ngày trước khi bà Hillary tuyên bố ra tranh cử, hôm 11-4 tại Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia châu Mỹ ở Panama, Tổng thống Obama cũng bày tỏ sự ủng hộ khi phát biểu trong một cuộc họp báo rằng bà Hillary có thể trở thành một “Tổng thống xuất sắc”.

Cách đây khoảng 1 năm, kết quả một cuộc thăm dò của Ipos đối với 1.500 người dân Mỹ còn cho thấy một tỷ lệ ủng hộ ấn tượng hơn dành cho bà Clinton, khi phần lớn số người được hỏi bày tỏ thiện cảm với cựu Ngoại trưởng Mỹ và cho rằng bà sẽ chiến thắng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016. Có đến 75% số người được hỏi ủng hộ bà Hillary, trong đó có khoảng 25% là người của phe Cộng hòa. Ngay từ khi bà Hillary chưa tuyên bố ứng cử vào Nhà Trắng, bà vẫn được dư luận đánh giá là có triển vọng thành công cao. Có 56% số người được hỏi đánh giá bà là nhà lãnh đạo gây ảnh hưởng, 62% cho rằng bà biết cách kết nối với những người đi bỏ phiếu. 

Uy tín chính trị ngang Bill Clinton

Còn nhớ vào khoảng thời gian bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Bill Clinton năm 1993 đã xuất hiện một câu chuyện đùa, đại loại là: Hai vợ chồng Bill và Hillary đang lái xe ở thành phố quê hương của bà. Họ dừng lại tại một trạm gas để mua nhiên liệu. Bà Clinton nhận ra người phục vụ tại trạm gas là một nam sinh trung học. Sau khi họ lái xe rời đi, Bill nói với vợ một cách tự mãn: “Hãy nhìn xem, nếu em lấy cậu ta, em sẽ phải làm việc tại một trạm gas”. Hillary đã đáp lại một cách đầy thông minh: “Nếu em lấy anh ta, anh ta sẽ là Tổng thống”. 

Sự hài hước của câu chuyện này nằm ở chỗ nó nêu bật lên những nét tính cách đặc biệt của Hillary, như bà vẫn được biết đến sau này: Bà là một phu nhân có năng lực chính trị, một người không làm ra vẻ mình không quan tâm đến chính trị, một phụ nữ chuyên nghiệp không gác sự nghiệp riêng của mình để hỗ trợ chồng, một người sở hữu trí tuệ sắt đá đầy quyết liệt - người đã không hạn chế bản thân mình trong những phạm trù truyền thống của nữ giới.

Trong khi vận động tranh cử chức Tổng thống, Bill đã chủ động ca ngợi Hillary là một tài sản tiềm tàng trong Chính phủ, đồng thời nói với những người ủng hộ rằng khẩu hiệu của ông có lẽ sẽ là “Mua một tặng một”, nghĩa là nếu như ông đắc cử Tổng thống thì chính quyền Mỹ sẽ được “tặng” thêm cả Hillary. Điều đó nói lên rằng Hillary là một người có khả năng và sự sắc sảo ngang với chồng bà về mặt uy tín chính trị. Điều mới là sự công nhận công khai rằng một người đàn ông quyết liệt, thông minh và đầy tham vọng như Bill có thể muốn một người vợ bình đẳng với ông về tất cả những mặt này, thay vì là một người vợ dễ uốn nắn và giúp ích cho ông, thậm chí là một người vợ phụ thuộc để làm cảnh. 

Hillary Clinton và cơ hội làm thay đổi lịch sử nước Mỹ ảnh 2Đông đảo cử tri Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Hillary

Trở ngại và thách thức

Trong tuyên bố ra tranh cử, bà Hillary tuyên bố sẽ một lần nữa nỗ lực vượt qua điều mà bà gọi là “rào cản cao nhất và khó khăn nhất trên con đường sự nghiệp”, đó là trở thành Tổng thống Mỹ. Các cố vấn của bà Hillary cho biết chiến dịch tranh cử sẽ tập trung vào những kế hoạch nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng kinh tế và làm nổi bật điều: nếu đắc cử, bà Clinton sẽ trở thành nữ Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử. Trong một thông báo nội bộ được công bố ngày 11-4, người quản lý chiến dịch tranh cử của bà Hillary, Robby Mook nói với các nhân viên rằng mặc dù mục tiêu của họ là giúp bà Hillary đắc cử Tổng thống, song chiến dịch tranh cử này không phải là vì riêng bà Hillary mà vì “tất cả người dân Mỹ”. 

Một trong những thách thức lớn nhất của Hillary là bà cần thể hiện sự thực tế hơn. Những người chỉ trích Hillary, trong đó có cả những người cấp tiến trong Đảng Dân chủ của bà cho rằng sau, nhiều thập kỷ làm phu nhân của cựu Tổng thống Bill Clinton, Thượng nghị sỹ và Ngoại trưởng, bà Hillary đã trở nên quá xa rời thực tế. Quanh khu vực văn phòng tranh cử của bà Hillary ở Brooklyn xuất hiện nhiều tấm áp phích in hình khuôn mặt bà với nhiều nếp nhăn bị cường điệu hóa và khẩu hiệu: Tham vọng, Tính toán, Giả dối và Giấu giếm. Chỉ vài giờ trước khi bà Hillary công bố quyết định tái tranh cử của mình, diễn viên hài Kate McKinnon đã đả kích bà Hillary trong chương trình truyền hình nổi tiếng “Saturday Night Live”, trong đó mô tả Hillary là một ứng cử viên tự đắc và tham quyền lực khi nhái lại đoạn phim công bố quyết định tranh cử của bà.

Ngay trước khi Hillary tuyên bố chính thức tranh cử, một số đối thủ tiềm năng từ Đảng Cộng hòa đã chỉ trích bà Clinton, trong đó nổi bật nhất là cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush - em trai của cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush. Trong một đoạn băng hình được Ủy ban Hành động chính trị “Right to Rise” công bố, ông Jeb Bush nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm tốt hơn chính sách đối ngoại của Obama-Clinton, thứ đã phá hủy mối quan hệ của Mỹ với các nước đồng minh và làm kẻ thù trở nên bạo gan hơn”. Jeb Bush hiện đang tính tới khả năng tham gia tranh cử và nếu ra tranh cử, ông này quả thực sẽ là một đối thủ rất đáng gờm đối với bà Hillary hay bất kỳ ứng cử viên nào khác của Đảng Dân chủ.

Phía Cộng hòa còn cho rằng, bà Hillary Clinton là người “có những chính sách “trên trời” và luôn tin rằng mình có thể sống trên pháp luật”. Khi còn là Thượng nghị sĩ bang New York, bà bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến tranh Iraq vào năm 2002. Ở vị trí Ngoại trưởng, bà ủng hộ can thiệp quân sự vào Syria và Libya. Quan điểm sử dụng sức mạnh quân sự trong các vấn đề quốc tế khiến các chính trị gia lo lắng bà sẽ xa rời mục tiêu hòa bình và ôn hòa của Đảng Dân chủ khi hiện nay đang tồn tại mối đe dọa đến từ Nhà nước Hồi giáo (IS). 

Có thể nói, việc bà Hillary vấp phải sự phản đối của các ứng cử viên tiềm tàng từ đảng Cộng hòa là điểu dễ hiểu, bởi chỉ trích đối thủ là cách làm thường thấy của các ứng cử viên trong các cuộc vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, việc có được sự ủng hộ của đông đảo cử tri Mỹ và ít nhất hai ông chủ Nhà Trắng là cựu Tổng thống Bill   Clinton và đương kim Tổng thống Barack Obama rõ ràng đã tạo cho bà Hillary một lợi thế hết sức to lớn.