Hàn Quốc dựng lại cây Giáng sinh, “chọc giận” Triều Tiên

ANTĐ - Bất chấp lời cảnh báo "nhận hậu quả thảm khốc" của Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã chấp nhận yêu cầu của một nhóm Ki tô-giáo, dựng lại tòa tháp có hình cây thông Giáng sinh gần biên giới với Bình Nhưỡng.

Động thái lần này của Hàn Quốc dường như đang nhằm mục đích chọc giận Triều Tiên, sau hàng loạt cảnh báo hậu quả và “đòi” san bằng các quốc gia ủng hộ dự luật chống đối nước này của Liên Hợp Quốc, trong đó có Seoul.

Trong năm nay, trước tình hình căng thẳng giữa hai miền, tòa tháp cũ đã bị tháo dỡ. Điều này đã gặp phải sự phản đối từ các tín đồ tôn giáo ở Hàn Quốc và các nhà hoạt động chống Bình Nhưỡng. 

Tòa tháp cũ cao hơn 20 m và thường được các nhà thờ trang trí bằng đèn led như một cây thông Noel vào mỗi dịp giáng sinh. Tuy nhiên, miền bắc lại coi các ánh sáng trên tòa tháp như một sự khiêu khích trong chiến tranh tâm lý giữa hai miền và đe dọa sẽ bắn đạn pháo vào tháp trừ khi nó được dỡ bỏ.

Phía Hàn Quốc đã tháo dỡ tòa tháp vào tháng 8-2014 với lý do cấu trúc 43 năm của tòa tháp có nhiều điểm bất ổn và nguy hiểm. Nhưng sau hàng loạt các cuộc biểu tình, hôm 2-12, Bộ Quốc phòng nước này đã chấp thuận yêu cầu của Hội đồng Ki-tô giáo Hàn Quốc (CCK) để xây dựng lại một tòa tháp có hình cây Giáng sinh mới.

"Chúng tôi chấp nhận các yêu cầu này để bảo đảm hoạt động tự do tôn giáo", phát ngôn viên của Bộ, Kim Min-seok nói.

                   Hình ảnh tòa tháp hình cây Giáng sinh cũ được thắp sáng năm 2010

Hội đồng CCK cho biết tòa tháp sẽ được dựng lên, trên một quy mô nhỏ hơn tòa tháp cũ. "Nó sẽ giống như một phiên bản lớn hơn của cây Giáng sinh điển hình mà bạn nhìn thấy và nó sẽ chỉ cao khoảng 9 mét", một thành viên của nhóm nói.

Theo tờ The Guardian, chắc chắn Triều Tiên sẽ lên án động thái này, vì trước đó nước này đã cảnh báo hậu quả thảm khốc của bất kỳ nỗ lực xây dựng lại cấu trúc tháp bị phá dỡ. Hãng tin KCNA cho biết: "Tòa tháp không phải là một biểu tượng cho các sự kiện tôn giáo mà là một biểu tượng của sự nỗ lực làm tăng căng thẳng xuyên biên giới và kích động các cuộc xung đột vũ trang".

Tòa tháp cũ nhiều lần được thắp sáng khi xảy ra các biến động trong quan hệ căng thẳng như đụng độ biên giới và tranh chấp nhỏ, dẫn đến việc hủy bỏ một cuộc đàm phán cấp cao của lãnh đạo 2 bên.

Miền nam đã phải tắt ánh sáng của tòa tháp vào năm 2004 theo một thỏa thuận giữa hai nước, nhưng một lần nữa lại thắp sáng nó vào năm 2010 sau khi một tàu chiến của Hàn Quốc bị đánh chìm, mà Seoul đổ lỗi cho một tàu ngầm của Triều Tiên.

Sau cái chết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, tòa tháp lại được thắp sáng và gần đây nhất là vào năm 2013 khi căng thẳng quân sự tăng cao.

Mặc dù tự do tôn giáo được tôn trọng trong hiến pháp của Triều Tiên, nhưng trong thực tế điều này không tồn tại và các hoạt động tôn giáo bị hạn chế tối đa.