Gia tăng hiểm họa khủng bố hàng không qua mạng internet

ANTĐ - Allianz, Công ty bảo hiểm của Đức vừa đưa ra cảnh báo, khủng bố có thể sử dụng máy tính để tiến hành các hoạt động khủng bố máy bay trong tương lai. Tiến bộ công nghệ đang đặt ra những mối đe dọa mới cho các hãng hàng không và an ninh toàn cầu.

Gia tăng hiểm họa khủng bố hàng không qua mạng internet ảnh 1Máy bay hiện nay chủ yếu dựa vào hệ thống máy tính 
và cơ sở dữ liệu có thể là mục tiêu tấn công của 
đối tượng khủng bố qua mạng 

Công nghệ mới, rủi ro mới

Một mối đe dọa tiềm tàng với các máy bay thương mại khi sử dụng hệ thống giám sát, thu thập tin tức mà không đảm bảo theo quy định tiêu chuẩn quốc tế. “Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tai nạn hàng không, từ 133/100 triệu hành khách vào năm 1960 xuống còn 2/100 triệu hành khách vào thời điểm hiện nay. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, nguy cơ tiềm ẩn là rất rõ ràng và cần phải có biện pháp đối phó”, người phát ngôn của Allianz nói. Những sự việc liên tiếp xảy ra với Malaysia Airlines thời gian gần đây đã khiến nhiều người lo lắng về an toàn hàng không. Theo các hãng bảo hiểm thì năm nay, việc chi trả bảo hiểm hàng không tăng mức kỷ lục là 800 triệu USD. Allianz ước tính, bảo hiểm hàng không sẽ tăng lên đến hơn 1.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Ruben Santamarta, 32 tuổi, một nhà tư vấn của Công ty An ninh mạng IOActive, một hacker người Đức nói rằng, anh đã tìm ra cách để thâm nhập vào hệ thống thông tin liên lạc trên máy bay thông qua Wi-Fi và hệ thống các chương trình giải trí trên chuyến bay. Nếu những phân tích của Ruben Santamarta được chứng minh thì vấn đề đảm bảo an ninh trên các chuyến bay sẽ trở nên vô cùng khó khăn. “Các thiết bị mạng đang ngày càng phổ biến và đe dọa an ninh hàng không. Cần nâng cao tinh thần cảnh giác cho mọi người về vấn đề này”, Santamarta nói với Hãng tin Reuters.

Theo các nhà nghiên cứu, Santamarta phát hiện ra lỗ hổng của “kỹ thuật đảo ngược” - hay “phần mềm giải mã - firmware” được sử dụng để vận hành thiết bị thông tin liên lạc. Thiết bị này được nhiều công ty lớn sử dụng bao gồm Cobham Plc, Harris Corp, Hughes Network Systems EchoStar Corp, Iridium Communications Inc và Japan Radio Co Ltd... Về lý thuyết, một hacker có thể sử dụng Wi-Fi trên máy bay hoặc tín hiệu trên không của hệ thống chương trình giải trí để “hack” vào hệ thống thiết bị điện tử. Điều này có khả năng phá vỡ hoặc thay đổi hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh và ảnh hưởng đến hệ thống định vị an toàn của máy bay.

Phi công phải thoát khỏi sự thụ động trong buồng lái tự động hóa 

“Giao thông” trên bầu trời ngày càng đông đúc. Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), sẽ có khoảng 16 tỷ hành khách trong năm 2050, so với 3,3 tỷ hành khách trong năm 2014. IATA đã nỗ lực nghiên cứu cải thiện hệ thống an ninh mạng. Năm nay, IATA đã cho ra mắt bộ công cụ giúp các hãng hàng không đánh giá và đưa ra giải pháp giảm thiểu rủi ro trong hệ thống công nghệ thông tin của mình. “Hiện nay, hoạt động hàng không như quản lý bay, giao thông hàng không dựa vào hệ thống máy tính ở mặt đất và chúng tôi biết rằng, đó là một mục tiêu có thể bị tấn công”, ông Tony Tyler, Tổng Giám đốc của IATA cho biết trong cuộc họp vào tháng 10.

Công nghệ tự động hóa ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các máy bay hiện đại, nhất là sau khi chuyến bay mang mã số 447 từ Brasil tới Pháp của Hãng Hàng không Air France gặp nạn vào năm 2009 vì phi công không thể kiểm soát máy loại A330. “Các phi công cần được đào tạo khả năng xử lý tình huống nếu hệ thống tự động trục trặc. Phi công phải thoát khỏi sự thụ động trong buồng lái tự động hóa”, đại diện Allianz nói. Một nhóm phi công Đức cũng đang kêu gọi các nhà chức trách thường xuyên đào tạo, kiểm tra khả năng của phi công, “đảm bảo phi công có khả năng lái máy bay tốt khi hệ thống máy tính không hoạt động”.