Đức, Pháp, Nga kêu gọi tăng số quan sát viên OSCE tại Ukraine

ANTĐ - Cả Đức, Pháp và Nga đều thúc giục OSCE điều thêm các quan sát viên tới khu vực miền đông Ukraine cũng như kéo dài sứ mệnh của họ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga cho biết. Trong khi đó, ý tưởng của Kiev về việc gửi các nhân viên gìn giữ hoà bình đến miền đông Ukraine không nhận được nhiều sự ủng hộ.

“Chính quyền Ukraine không thể thực hiện những gì đã thống nhất ở Minsk. Chúng tôi lo lắng rằng quá trình đối thoại chính trị sẽ bị trì hoãn mà do đó, tình hình xã hội và kinh tế thêm tồi tệ. Chúng tôi muốn nhìn thấy những sự tiến bộ nhanh hơn”, ông Karasin nói.

OSCE đang làm nhiệm vụ giám sát lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine

Ông Karasin đưa ra lời phát biểu sau khi có cuộc họp với đại diện nhóm Normandy 4 bao gồm các nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp, vừa được diễn ra tại Berlin vào hôm 6-3. Đây là cuộc thảo luận được cho là ở mức “nhóm liên lạc” về vấn đề Ukraine.

Các nhà ngoại giao của nhóm Normandy 4 đã thống nhất kêu gọi Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) kéo dài sứ mệnh và tăng số lượng các quan sát viên tại Ukraine.

Trong cuộc họp này, phía Ukraine cũng đã nhắc lại lời đề nghị cử lực lượng gìn giữ hoà bình đến vùng chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, theo ông Karasin, Pháp và Đức có chung quan điểm với Nga là không ủng hộ quyết định này.

Trong một cuộc điện đàm riêng, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Đức Walter Steinmeier cũng kêu gọi kéo dài sứ mệnh của OSCE và tăng số nhân viên giám sát ở đây lên 1.000 người.

Cuộc xung đột tại Ukraine diễn ra vào tháng 4-2014 sau khi Kiev gửi quân đội đến miền đông Ukraine, nơi nhiều người dân từ chối công nhận chính phủ mới sau đảo chính.

Cuộc đối đầu quân sự đã khiến 6.000 người thiệt mạng và hơn 15.000 người khác bị thương, theo số liệu của Liên Hợp Quốc.

Với sự hỗ trợ của nhóm Normandy 4, các bên đã đạt được thoả thuận hoà bình Minsk vào hôm 12-2. OSCE là đơn vị chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện thoả thuận cho biết các bên tuân thủ cam kết khá nghiêm chỉnh, bao gồm cả việc di rời vũ khí hạng nặng.