Chuyện những người hùng ung dung giỡn mặt thần chết

ANTĐ - Cuộc chiến chống virus Ebola chết người là hồi chuông cảnh báo rằng hệ thống y tế toàn cầu không đủ mạnh để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, thế giới cũng phần nào yên tâm trước bước tiến nguy hiểm của đại dịch này nhờ các nhân viên y tế đang chiến đấu đẩy lùi Ebola ở vùng tâm dịch.

Chuyện những người hùng ung dung giỡn mặt thần chết ảnh 1Những người chiến đấu chống lại đại dịch Ebola đã được tạp chí Time vinh danh là Nhân vật của năm 2014

Đánh đổi mạng sống

Công việc của họ đòi hỏi mỗi thao tác khi tiếp xúc với người bệnh đều phải rất cẩn thận. Chỉ một sơ suất nhỏ, một vết rách trên găng tay, một chút dịch tiết từ cơ thể bệnh nhân vấy lên người, một giây phút không tỉnh táo, các y bác sĩ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Liên tục hít thở trong không gian dày đặc khói Clo - loại hóa chất khử virus sử dụng mỗi ngày, một nhân viên tại tâm dịch Tây Phi mô tả cảm giác cổ họng đau nhức và sưng tấy mỗi sáng thức giấc. Mỗi ngày trôi qua, họ lại tự hỏi: “Liệu mình có phạm phải sai lầm nào không? Liệu mình đã làm đúng tất cả mọi thao tác? Liệu mình sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo?”.

Daniel Bausch - chuyên gia về Ebola của Đại học Tulane (Mỹ) đã đến Sierra Leone để hỗ trợ cho Tiến sĩ Sheik Humarr Khan, người từng cùng với 1 y tá duy nhất chăm sóc cho hàng chục bệnh nhân Ebola tại đây. Mang trên người những bộ quần áo bảo hộ cồng kềnh, bác sĩ Daniel mô tả: “Sàn nhà vương vãi máu, chất nôn, phân và nước tiểu. Trong khi đó, các nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển, cần có nhiều người hỗ trợ làm vệ sinh”. Khi một bệnh nhân Ebola mất, vì sợ hãi mà ngay cả người thân của họ cũng không dám tới gần, thậm chí còn không đem đi chôn cất. Ấy vậy mà, hàng ngày Cokie Van der Velde, một tình nguyện viên cho tổ chức Các bác sĩ không biên giới ở Guinea và Liberia, đã trực tiếp tham gia tẩy rửa các phòng bệnh Ebola. Bà lau dọn sàn nhà, cọ rửa xô chậu và lo cho người chết. Bà Van der Velde vẫn chưa quên một cảnh tượng kinh hoàng khi bước vào một căn phòng với 4 xác chết trong tư thế quằn quại…

Vừa tận tụy chăm sóc bệnh nhân, các y bác sĩ còn vừa phải nỗ lực tìm phương thuốc chữa trị. Điển hình như bác sĩ Gobee Logan là Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bomi (Liberia), nơi chỉ có 2 bác sỹ chăm sóc sức khỏe cho cả một khu vực với 85.000 con người. 2 bác sĩ này gồng mình chăm sóc cho những người nhiễm Ebola cùng 100 bệnh nhân khác. Trong  lúc chờ đợi một loại thuốc đặc trị Ebola, bác sĩ Logan đã tự mình thử nghiệm hiệu quả của thuốc trị HIV có tên gọi lamivudine trên dịch bệnh mới này. “Để ngăn cái chết đến với các bệnh nhân nơi đây, tôi nghĩ mình cần thử loại thuốc này”, ông chia sẻ.

Khi cơ hội sống sót dưới 10%

Ở tâm dịch Ebola, các bác sĩ làm việc từ 15 - 16 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. William Fischer, một bác sĩ đến từ North Carolina chỉ kịp gửi một email ngắn gọn về cho gia đình và người thân với nội dung “Tôi yêu tất cả mọi người” trước khi vào vùng tâm dịch theo chỉ đạo của Tổ chức Y tế thế giới - WHO.

Fischer tâm sự rằng, những ngày làm việc tại Tây Phi, chiến đấu với đại dịch Ebola đôi lúc khiến cho ông rơi vào “tâm trạng nặng nề”. Thế nhưng, đối với họ đó chỉ là những cảm xúc nhất thời vì làm việc dưới áp lực lớn trong thời gian dài, chỉ cần có nạn nhân nào đó thoát được lưỡi hái thần chết thì mọi mệt mỏi đều tan biến. Ít ai có thể hình dung được cảm giác chăm sóc và điều trị cho một bệnh nhân có cơ hội sống sót dưới 10% sẽ như thế nào nếu không phải là người trong cuộc. Rất nhiều y bác sĩ phải chống lại nỗi sợ hãi trước dịch bệnh Ebola quái ác chưa tìm ra được thuốc điều trị. Thế nhưng, giữa những nguy hiểm đang cận kề, bằng chính cái tâm lớn. Các bác sĩ luôn hiểu rằng hàng nghìn người đang đau đớn vì bệnh tật rất cần được giúp đỡ.  

Bác sĩ Robert Fowler - vị bác sĩ khoa cấp cứu tại Bệnh viện Sunnybrook (Toronto, Canada), nay đang được biệt phái tham gia sứ mệnh của WHO tới làm việc ở Guinea và Sierra Leone, kể: Bản thân ông từng tiếp nhận một bé gái khoảng 6 tuổi, được đưa vào viện chữa trị Ebola muộn với triệu chứng xuất huyết tiêu hóa, mất nước nghiêm trọng và mê sảng. Virus Ebola đã cướp đi sinh mạng của toàn bộ thành viên gia đình cô bé, chỉ còn em ở lại trên cõi đời này. Ban đầu, cô bé rất hoảng sợ và không chịu hợp tác nhưng bác sĩ Fowler luôn dành cho cô bé những lời nói và cử chỉ thân thiện, yêu thương. Dần dần, cô bé dường như hiểu được rằng, người bác sĩ trong bộ đồ bảo vệ kín bưng trông có vẻ đáng sợ, nhưng đang cố gắng cứu mạng em. Cô bé sau đó đã hồi phục tốt và gần được ra viện vào thời điểm bác sĩ Fowler rời khỏi Guinea…