Chi phí chống IS của Mỹ tiếp tục phình to lên 8,3 triệu USD/ngày

ANTĐ - Lầu Năm Góc đã tính toán lại chi phí cho chiến dịch không kích tại Iraq và Syria và kết luận rằng hiện Mỹ đang tiêu tốn khoảng 8,3 triệu USD/ngày cho việc chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Kể từ khi chiến dịch không kích bắt đầu được thực hiện vào hôm 8-8, không quân Mỹ và đồng minh đã 6.600 lần tấn công IS bằng máy bay và tiêu tốn tổng cộng 580 triệu USD, người đại diện Lầu Năm Góc, Bill Urban cho hay.

Trước đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ước lượng chi phí trung bình cho hoạt động này thấp hơn, vào khoảng 7 triệu USD/ngày.

Chi phí chống IS của Mỹ tiếp tục phình to lên 8,3 triệu USD/ngày ảnh 1

Việc thực hiện nhiều chuyến bay do thám trước khi không kích đã đội chi phí lên cao 

Con số tăng lên chứng tỏ Mỹ đã tăng cường không kích vào các cứ điểm của IS ở Iraq và Syria, một quan chức Mỹ cho hay.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích độc lập cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã ước lượng thiếu một vào loại chi phí đáng kể, như việc triển khai một nhóm binh sĩ đến bảo vệ đại sứ quán Mỹ ở Baghdad hoặc cố vấn cho quân đội Iraq.

Nhiều chuyên gia cho rằng chi phí thực sự đã vượt quá 1 tỉ USD và có thể tăng lên vài tỉ trong năm tới.

Todd Harrison ở Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách đã dự đoán chi phí cho chống IS có thể từ 2,4 đến 3,8 tỉ USD/năm. Nếu chiến dịch ném bom được mở rộng con số này có thể tăng lên từ 4,2 đến 6,8 tỉ USD/năm

Một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí là việc thực hiện một số lượng lớn các chuyến bay giám sát và do thám tại các vùng ném bom. Chiến dịch không kích, vốn được Mỹ đặt tên là “Quyết tâm cố hữu” phải yêu cầu hàng nghìn chuyến bay do thám và nạp nhiên liệu trên không.

Mỗi máy bay không người lái (UAV) Predator hay Reaper tiêu tốn khoảng 1.000 USD/giờ hoạt động, trong khi UAV tầm cao Global Hawk sẽ tiêu tốn 7.000 USD/giờ và thậm chí máy bay do thám E-8 J-STAR sẽ ngốn 22.000 USD cho mỗi giờ vận hành.

Tiền dành cho các hoạt động này vẫn nằm trong ngân sách chống khủng bố của Mỹ. Khác với ngân sách dành cho vận hành các căn cứ quân sự, ngân sách chống khủng bố luôn được coi là “thẻ tín dụng” cho các hoạt động chiến tranh.

Chi phí chống khủng bố của Mỹ vào năm tài khoá 2014, vừa kết thúc vào ngày 30-9, là 85 tỉ USD, trong khi ngân sách cho năm tài khoá 2015 được rút gọn lại còn 54 tỉ USD.