Chặn đường cổ vật “chui”

ANTĐ - Cảnh sát Italy và Thụy sĩ mới đây đã triệt phá một tổ chức buôn lậu các tác phẩm nghệ thuật và thu hồi hơn 5.000 cổ vật trị giá hơn 50 triệu euro. 

Chặn đường cổ vật “chui” ảnh 1Một số trong 5.361 cổ vật thu được trong vụ truy quét buôn lậu mới đây của cảnh sát Italy

Đường dây buôn lậu xuyên biên giới

Những cổ vật thu giữ có niên đại từ thế kỷ thứ tám trước Công nguyên cho đến thế kỷ thứ ba sau Công nguyên, bao gồm những bức bích họa, lọ bình, tượng đồng, vò hai quai quý hiếm. Chúng được đào trộm trên đảo Sicily và Sardinia ở Italy và các vùng đất phía Nam của Puglia và Calabria.

Lực lượng cảnh sát chịu trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa của Italy cho biết, họ đã tìm thấy 5 nhà kho ở thành phố Basel của Thụy Sĩ chứa đầy những món đồ cổ giá trị trên và bắt giữ một cặp vợ chồng nghi phạm. Họ bị cáo buộc đã “phù phép” để tạo ra nguồn gốc và quyền sở hữu giả cho những cổ vật, rồi đem bán chúng cho các nhà sưu tập và một số bảo tàng ở Anh, Đức, Mỹ, Nhật Bản và Australia. 

Được biết, vụ truy quét lần này nằm trong hoạt động điều tra và bắt giữ Gianfranco Becchina - đối tượng người Italy đang có một phòng tranh tại Thụy Sĩ và người vợ Thụy Sĩ của ông ta. Ông Becchina bị cảnh sát Italy bắt giữ trong khi bà vợ không thoát khỏi tay của cảnh sát Thụy Sĩ. Đợt truy quét cũng góp phần triệt phá một mạng lưới buôn bán đồ giả cổ tinh vi giữa Italy và Thụy Sĩ.

Trong hơn một thập kỷ qua, chính phủ Italy đã thực hiện một chiến dịch tìm kiếm các cổ vật đã bị đào trộm và bán cho những viện bảo tàng nổi tiếng hoặc những nhà sưu tập tư nhân. Theo Bộ trưởng Văn hóa Italy Dario Franceschini, đây là đợt truy quét lớn chưa từng có tại quốc gia Nam Âu này, đồng thời thông báo nhà chức trách Italy sẽ tổ chức trưng bày để công chúng có cơ hội thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật cổ bị cất giấu trái phép trên.

Những vụ đánh cắp cổ vật gây chú ý

Hoạt động thu hồi cổ vật không chỉ được chính phủ Italy triển khai mà đối với nhiều quốc gia khác đây cũng là một vấn đề quan trọng bởi nạn đánh cắp cổ vật vẫn diễn ra tràn lan. Trang mạng Chinanews.com đã tổng kết một số vụ đánh cắp cổ vật trong các viện bảo tàng từng gây xôn xao dư luận thế giới.

Khoảng tháng 3, 4 - 2003, hàng nghìn hiện vật quý của Bảo tàng Quốc gia Iraq đã bị đánh cắp, cho đến năm 2011 mới thu về được chưa tới 4.000 hiện vật. Những văn vật tại bảo tàng này có niên đại từ thời kỳ đồ đá, đến nền văn minh Sumer, đế quốc Babylon, đế chế Assyrian, Ả rập hiện đại… Trước đó năm 1990, 12 bức tranh nổi tiếng trên thế giới trị giá 300 triệu USD được trưng bày tại Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston (Mỹ) bị trộm trong vòng chưa đầy nửa tiếng. Đây là một trong những vụ đánh cắp quy mô nhất trong lịch sử của Boston mà đến giờ vẫn chưa được giải quyết.  

Năm 2003, tác phẩm điêu khắc tinh xảo “Salt Cellar” bằng vàng của nhà nghệ thuật 

Benevenuto Cellini đã biến mất khỏi Bảo tàng Kunsthistorisches ở Vienna, Áo. Hiện vật này trị giá ít nhất là 55 triệu USD. Ngoài ra còn các vụ việc khác như, vụ đánh cắp 2 bức The Scream và The Madonna của Munch tại Bảo tàng Munch ở Oslo, Na Uy (năm 2004); bức Nativity with San Lorenzo and San Francesco của Caravaggio bị lấy ở Palermo, Italy (năm 1969); cây vĩ cầm Davidoff-Morini Stradivarius bị đánh cắp tại một căn hộ ở New York, Mỹ (năm 1995); 2 bức tranh của Van Gogh bị “cuỗm” khỏi Bảo tàng Vincent Van Gogh ở Amsterdam, Hà Lan (năm 2002); vụ trộm bức View of Auvers-sur-Oise của Cezanne tại Bảo tàng Ashmolean ở Oxford, Anh (năm 1999), bức Madonna of the Yarnwinder của Leonardo Da Vinci “ra đi” khỏi lâu đài Drumlanrig ở Scotland (năm 2003) sau đó 4 năm được tìm thấy tại Anh. Mới đây nhất (tháng 12-2014) là vụ một bức tượng nổi tiếng của nghệ sĩ người Italy Medardo Rosso, trị giá 500.000 euro bị đánh cắp khỏi Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Italy tại Roma. Video giám sát tại bảo tàng cho thấy kẻ trộm là một người đàn ông mặc bộ vest. Ông ta đã giấu bức tượng đồng vào áo khi rời khỏi viện bảo tàng. 

Số liệu thống kê cho thấy, những năm gần đây, hành vi phạm tội liên quan tới các tác phẩm nghệ thuật tăng lên rõ rệt, đây được coi là hoạt động phi pháp thu được lợi nhuận cao thứ tư, chỉ xếp sau ma túy, rửa tiền và buôn lậu vũ khí.