Cảnh báo tấn công chết người từ những “con sói cô độc”

ANTĐ - Sau vụ bắt cóc con tin tại quán cà phê Lindt Chocolat ở trung tâm thành phố Sydney của Australia, chân tướng của kẻ bắt cóc Sheik Man Haron Monis đã được làm rõ. Vụ việc cũng làm dấy lên lo ngại về mối đe dọa an ninh từ những vụ tấn công kiểu “sói cô độc”.  

Cảnh báo tấn công chết người từ những “con sói cô độc” ảnh 1Thủ tướng Tony Abbott cùng phu nhân tới đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ bắt cóc con tin ở Sydney

Kẻ bắt cóc có tiền sử bạo lực

Thủ tướng Australia Tony Abbott ngày 16-12 cho hay, tay súng bắt cóc con tin ở Sydney bị bắn chết là một kẻ mê muội chủ nghĩa cực đoan và có thần kinh không bình thường. “Hắn có tiền sử bạo lực, rất cực đoan và tâm thần bất ổn. Hắn dùng hành động của mình để thể hiện sự ủng hộ đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)”, Thủ tướng Abbott nói. Theo ông Abbott, Monis từng gửi những lá thư xúc phạm đến gia đình của các binh sĩ Australia tử trận ở Afghanistan và đã bị kết án với những tội danh liên quan. 

Gã giáo sĩ Hồi giáo tự xưng này sinh ra ở Iran và tị nạn chính trị ở Australia vào năm 1996. Cảnh sát Australia đã nhẵn mặt tên này và trước thời điểm gây ra vụ bắt cóc chấn động, y liên đới trong vụ sát hại vợ cũ nhưng đã đóng tiền bảo lãnh tại ngoại. Monis cũng đối diện với 40 cáo buộc tấn công tình dục. Theo tờ Sydney Morning Herald, các cáo buộc này liên quan tới thời kỳ y tự phong làm “người hàn gắn tinh thần” với các trò ma thuật ở phía Tây Sydney. 

Hiện nhà chức trách Australia đang mở cuộc điều tra để xác định xem hung thủ Monis có phải là người đã bắn chết hai con tin xấu số hay không. Ngoài người quản lý quán cà phê Tori Johnson được tôn vinh vì đã dũng cảm giật súng từ tay Monis bất thành, các nhân chứng cũng khẳng định nạn nhân thiệt mạng thứ hai là Katrina Dawson cũng là một anh hùng. Khi Monis nổ súng, Katrina Dawson đã lấy thân mình che chắn cho người bạn đang mang thai Julie Taylor nên trúng đạn. Cô qua đời trên đường đưa đi bệnh viện cấp cứu. 

Khó phát hiện và ngăn chặn

Vụ bắt cóc gây chấn động thế giới diễn ra chưa đầy 3 tháng sau khi 1 thanh niên 18 tuổi bị bắn chết ở Melbourne hôm 23-9 do dùng dao tấn công, gây thương tích cho 2 nhân viên chống khủng bố. Tên Numan Haider đã bất ngờ lao vào tấn công họ bên ngoài đồn cảnh sát sau khi bị cảnh sát triệu tập tới để thẩm vấn vì vẫy cờ IS bên trong 1 trung tâm mua sắm. Sau đó 1 tháng, 1 tay súng cũng giết chết 1 lính gác rồi xông vào tòa nhà Quốc hội ở Thủ đô Ottawa của Canada. Nhà chức trách Canada cho hay, tay súng Michael Zehaf-Bibeau từng bị buộc tội cướp của sau đó cải sang đạo Hồi. 2 ngày trước đó, một người đàn ông 25 tuổi cũng lái xe ô tô đâm vào 2 binh sĩ Canada gần Montreal, khiến 1 người thiệt mạng. Hồi tháng 5-2013, binh sĩ Anh Lee Rigby cũng bị 2 kẻ cải đạo sang đạo Hồi đâm chết ngay trên đường phố Thủ đô Lodon nhằm trả thù quân đội Anh.   

Hàng loạt vụ tấn công tại Anh, Canada và Australia đó đều do những cá nhân có tư tưởng cực đoan thực hiện, làm dấy lên những lo ngại an ninh trong việc giám sát, phát hiện và ngăn chặn những đối tượng này . “Không dễ để tìm ra câu trả lời cho vấn đề này. Chúng ta không thể đặt mọi người dưới sự giám sát 24/24h trừ khi họ là các nghi phạm chính”, Greg Barton, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố toàn cầu tại Đại học Monash ở Melbourne phân tích. Theo ông Barton, lực lượng an ninh và chống khủng bố Australia đã thực hiện tốt chiến dịch truy quét khủng bố quy mô lớn và giám sát những phần tử thuộc các tổ chức cực đoan, nhưng những vụ tấn công kiểu “sói cô độc” thì khác. “Những vụ tấn công kiểu này rất khó đoán định”, Michael McKinley, chuyên gia khủng bố tại Đại học Quốc gia Australia nói. 

Không giống như các vụ tấn công quy mô lớn được tổ chức bởi mạng lưới khủng bố 

Al-Qaeda, tổ chức cực đoan IS đang sử dụng mạng xã hội để kích động các cá nhân hành động một mình và tuyên truyền về hành động của chúng. “Động cơ đằng sau vụ tấn công kiểu này là nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi trong xã hội”, Lee Young Nam, Giáo sư nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố tại Đại học Catholic Kwandong ở thành phố Gangneung (Hàn Quốc) nhận định. 

Cơ quan tình báo Australia ước tính, khoảng 60-100 công dân nước này tham gia chiến đấu cho IS tại Trung Đông. Trước khi Syria và Iraq trở thành điểm đến của những phiến quân Jihad, công dân Australia cũng nằm trong số các phiến quân nước ngoài tại Yemen, Somalia và Pakistan. Bên cạnh đó, lực lượng an ninh Australia cũng ngày càng lo ngại về việc nhiều cá nhân quyên góp tiền ủng hộ IS hoặc hỗ trợ tiền đi lại cho các chiến binh nước ngoài muốn gia nhập lực lượng IS tại Iraq và Syria.