Bất chấp “sự hăm dọa” của EU, Serbia kiên quyết không trừng phạt Nga

ANTĐ -Trước chuyến thăm tới Belgrade, Johannes Hahn, Ủy viên EU phụ trách vấn đề chính sách láng giềng châu Âu và đàm phán mở rộng tuyên bố rằng, Serbia có nghĩa vụ phải áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga nếu muốn gia nhập EU. Đáp lại, Serbia kiên quyết không làm theo tuyên bố này. 

Bất chấp “sự hăm dọa” của EU, Serbia kiên quyết không trừng phạt Nga ảnh 1Mối quan hệ giữa Nga và Serbia vẫn tiến triển tốt


Trước đó, Johannes Hahn đã nhiều lần kêu gọi Belgrade áp đặt lệnh trừng phạt lên Moscow. Trao đổi với các nhà lập pháp châu Âu, ông Hahn cho rằng, nếu Serbia đang tiến tới gia nhập vào WTO và EU thì nước này phải thể hiện “sự trung thành” bằng cách đưa ra lệnh trừng phạt giống như Liên minh đã làm đối với Nga.

Trong một cuộc họp báo,  ông Hahn cũng nhấn mạnh: “Khi Serbia gia nhập EU sẽ có sự kiên kết chính với Liên minh. Vì vậy về mặt pháp lý, trong khuôn khổ các cuộc đàm phán gia nhập, Serbia có nghĩa vụ dần dần thống nhất quan điểm của mình với EU trong một số vấn đề khó khăn như lệnh trừng phạt chống lại nước Nga. Đây là điều rất quan trọng và chúng tôi mong đợi Belgrade tuân thủ nghĩa vụ này”.

Ngày 20-11 vừa qua, trong chuyến thăm chính thức của mình tới Belgrade, Ủy viên EU lại một lần nữa nêu lên vấn đề trừng phạt. Trao đổi với các nhà báo của tờ báo Vecernje Novosti của Serbia, ông Hahn khẳng định, Serbia tuyên bố gia nhập EU như là “mục tiêu quan trọng” thì chính sách ngoại giao của họ phải được liên kết chặt chẽ với Liên minh châu Âu.

Ngay lập tức, tuyên bố của ông Hahn đã gây ra làn sóng chỉ trích từ các nhà phân tích chính trị. Tiến sĩ Gerhard Mangott, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Innsbruck nhận định, Serbia không phải là một thành viên EU vì vậy họ có quyền độc lập trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của mình.

Về phần mình, Tổng thống Serbia,  Tomislav Nikolic khẳng định, không có lý do gì khiến Serbia phải áp đặt lệnh trừng phạt lên “người anh em” của mình cả. Đồng thời cho biết, ông không sợ việc gia nhập EU bị trì hoãn quá lâu do EU đang có kế hoạch mở rộng sang các nước khu vực Balkan.

Hơn nữa, lý do khiến Serbia không áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga, bất chấp sự “hăm dọa” từ EU,  đó là Moscow và Belgrade vốn duy trì mối quan hệ kinh tế gắn bó chặt chẽ từ nhiều năm và đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong những năm gần đây.

Hiện Nga đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế Serbia như năng lượng, kim loại màu, chế tạo máy bay, du lịch và ngân hàng. Đặc biệt trong năm 2013, đầu tư của Nga vào Serbia đã tăng lên 144% với khoảng 56.000.000 USD.

Tuy nhiên, nền kinh tế của Belgrage phần lớn phụ thuộc vào EU với 64% thương mại nước ngoài và 72% các khoản đầu tư vào một số lĩnh vực then chốt. Do vậy, nếu không đáp lại "lời kêu gọi của EU",  rất có thể Serbia sẽ gặp phải nhiều khó khăn trên con đường gia nhập EU cũng như là kinh tế.