10 thách thức năm 2015 của cộng đồng quốc tế

ANTĐ - Nhật báo Les Echos (Pháp) có bài tổng hợp ý kiến của các nhà báo và chuyên gia về những thách thức mà cộng đồng quốc tế có thể phải đối mặt trong năm tới.
10 thách thức năm 2015 của cộng đồng quốc tế ảnh 1

1. Các nước mới nổi cần tìm ra những nhà lãnh đạo phù hợp với tình hình mới. Đặc trưng nổi bật của những nhà lãnh đạo mới này là phải có tinh thần dấn thân, có ý thức trách nhiệm, có tâm huyết thúc đẩy đất nước phát triển. Họ không nhất thiết phải là một người đàn ông của một giai cấp hay thuộc dòng dõi lãnh đạo cấp cao, mà phải là người có thể huy động, gắn kết tạo được tin tưởng cho mọi người.

2. Lĩnh vực y tế: Thế giới có đủ sức để tận diệt Ebola hay không? 

Dịch bệnh này hiện tại đã làm chết gần 6.000 người và lây nhiễm hơn 16.000 người. Ebola đã chứng minh sự bất lực của cộng đồng quốc tế vì đã phản ứng không đủ nhanh và thiếu tính tập thể. 

Dịch bệnh vì thế đã vượt ra khỏi những khu vực truyền thống như rừng núi để lan đến thành thị, đã vượt ra khỏi ranh giới của châu Phi. Trong lúc đó các nước có liên quan thiếu phương tiện tài chính, và đặc biệt là chưa đủ “quyết tâm chính trị”. Bởi thế, cuộc chiến chống Ebola cần phải được tiến hành một cách đa phương và tập thể. 

3. Khí hậu: Về ý kiến này có thể dẫn lời chuyên gia tỏ ra lo ngại cho Hội nghị về Biến đổi khí hậu vào năm 2015 tại Paris. Dù hai nước gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính (vào giữa tháng 10) và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cam kết hạn chế khí thải CO2 vào năm 2030. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất là giữ mức tăng nhiệt độ ở 2°C rất khó thực hiện bởi nó đòi hỏi phải làm sao cho các chính sách phát triển kinh tế tương thích với mục đích này. 

4. Mỹ sẽ trở thành một quốc gia chiến binh? Ngân sách của Lầu Năm Góc trong năm 2014 là 527 tỉ USD. Ủy ban Ngân sách Nội địa Hoa Kỳ cho biết kể từ năm 2011 chi phí cho các nhân viên phục vụ trong quân đội đã tăng 41%, trong đó chưa bao gồm khoản hỗ trợ chiến tranh cũng như trượt giá. Nếu tiếp tục giữ nguyên tỷ lệ này và ngân sách quốc phòng chỉ tăng ở mức bù đắp cho lạm phát, chi phí cho binh lính sẽ chiếm toàn bộ ngân sách quốc phòng của Mỹ vào năm 2039.

5. Lạm phát ở khu vực đồng Euro? Khu vực đồng euro đang lún sâu vào khủng hoảng: tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức kỷ lục, tăng trưởng khu vực này vẫn đang ì ạch, tình hình chưa có dấu hiệu lạc quan, lãi suất ngân hàng vẫn cao, nợ công vẫn chồng chất. Theo như dự đoán, những con số báo động này đang rơi vào cái bẫy thanh khoản, nền kinh tế vĩ mô rơi vào cuộc đại suy thoái mới.

Trong bối cảnh đó, chính sách thắt chặt chi tiêu công mà khu vực này đeo đuổi cần được thay thế bằng một chính sách khác để kích thích tăng trưởng. Cho nên trong tình hình hiện nay, “sự cẩn thận không phải là e dè mà phải là sự can đảm dám nghĩ dám làm”.

6. Vấn đề Ukraine và quan hệ giữa Nga và EU: Theo chuyên gia thì các nước châu Âu cần hiểu rằng để giải quyết vấn đề Ukraine cần có hai yếu tố chính. Thứ nhất, đó là tự thân Chính phủ Kiev phải xây dựng được một chính quyền ổn định, đủ mạnh, dân chủ và hiệu quả. Thứ hai, đó là các nước châu Âu phải có tiếng nói chung và phải làm sao đạt được “mối hợp tác có đi có lại” với Moscow.

7. Làn sóng khủng bố vẫn lan tràn trên phạm vi thế giới: Hiện tại, làn sóng khủng bố vẫn lan tràn với một mức độ nhanh chóng trên phạm vi thế giới. Cuộc chiến chống lại các nhóm vũ trang khủng bố  Sahel ở Levant có thể sẽ thắng sau một thời gian dài. Nhưng có lẽ các khái niệm về chiến thắng nên được xác định lại. Theo thời gian, thế giới sẽ phải đối mặt với các hình thức bạo lực mới. Các phương tiện Internet của thời đại kỹ thuật số đã giúp cho các tổ chức khủng bố chiêu mộ binh lính và tìm được nguồn ủng hộ tài chính.

8. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga có bền vững? Khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, từ kinh tế cho tới quân sự. Thế nhưng, mối quan hệ này là không bền vững vì quan hệ đối tác giữa hai bên có vẻ không cân đối. Nền kinh tế Nga còn nhiều thua thiệt so với Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là mối quan hệ giữa một bên là cường quốc xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu một bên là một cường quốc có nguồn tài chính dồi dào và khát năng lượng. Bởi vậy, có một điều chắc chắn là trong cuộc chơi này, EU bị thua thiệt, các thị trường đã mất ở Nga khó lòng tìm lại được. Việc Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế dĩ nhiên có hại cho các nước phương Tây vốn là đối tác thương mại lớn của Nga. 

9. Cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc sẽ đi tới đâu? Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đến nay, hàng loạt quan chức bị điều tra hoặc truy tố. Mục tiêu tiếp theo sẽ là gì? 

Có thể sẽ là quân đội Trung Quốc. Trong 56 “con hổ” bị truy tố vì tội tham nhũng thì mới có 3 tướng. Nhưng điều này mới chỉ là khởi đầu. Thế nhưng, tác giả cũng cảnh báo là công cuộc này của ông Tập là “một cuộc chiến đầy rủi ro” bởi nó đụng chạm đến nhiều “nhóm lợi ích” và “bất khả xâm phạm”.

10. Kẻ thua cuộc trong cuộc chiến tranh dầu là ai? Việc giá dầu sụt giảm quá mạnh trong thời gian qua (giảm 40% kể từ giữa tháng 6-2014), người thua cuộc chính là nhà sản xuất dầu. Họ bị thiệt hại nặng nề lên tới hơn 1.000 tỷ USD trong cả năm. Việc này tác động mạnh đến những nước lệ thuộc vào xuất khẩu dầu và hầu như ước định ngân sách dựa vào giá dầu như: các nước vùng Vịnh, Iran, Iraq, Venezuela, Nga, Kazakistan hay Nigeria.

Thế nhưng “kẻ thua hôm nay có thể là kẻ thắng của ngày mai”. Bài báo cho rằng, những nước sản xuất dầu lớn, nếu đủ sức vượt qua được giai đoạn khó khăn này, sẽ thu được nhiều lợi ích sau khi giá dầu bình ổn trở lại. Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc...