Xăng dầu có thể giảm giá nữa, nếu...

ANTĐ - Giá dầu thô trên thế giới giảm sâu tác động không nhỏ tới việc thu ngân sách của Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, thuế nhập khẩu xăng dầu nhiều khả năng sẽ tăng lên mức 35%. GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân) đã trao đổi với phóng viên ANTĐ xung quanh vấn đề này.

Xăng dầu có thể giảm giá nữa, nếu...  ảnh 1Chi phí định mức xăng dầu chưa giảm theo thị trường

- PV: GS đánh giá thế nào về quyết định tăng thuế nhập khẩu ngày 6-12 của Bộ Tài chính?

- GS Đặng Đình Đào: Trong bối cảnh giá dầu thô thế giới giảm sâu, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách thì việc tăng thuế để hỗ trợ một phần thu ngân sách Nhà nước là đề nghị hợp lý, chấp nhận được. Nhưng xét về lợi ích doanh nghiệp thì không được vì giá xăng dầu thế giới xuống, hệ thống vận tải hàng hóa trong nước giảm 5-10% thì chi phí định mức kinh doanh xăng dầu phải giảm tương ứng mới đảm bảo tính hợp lý của hệ thống cấu thành lên giá cơ sở.

- Tức là doanh nghiệp đang hưởng lợi từ chi phí định mức được giữ ổn định theo Nghị định 83?

- Bộ Tài chính chỉ điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu nhưng không yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh chi phí định mức là chưa hợp lý. Chi phí định mức theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP là 860 đồng/lít, doanh nghiệp kêu không đủ bù lỗ nên theo Nghị định 83 mới đã có hiệu lực, khoản này được tăng lên thành 1.050 đồng/lít. Tuy nhiên, đó là trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới vẫn ở mức cao, các chi phí khác ở mức cao. Còn hiện tại, chi phí đã giảm, nhưng doanh nghiệp xăng dầu vẫn lờ đi yếu tố này mà chỉ kiến nghị giữ giá và tăng thuế nhập khẩu. 

- Cách điều hành giá xăng dầu hiện tại là chưa sòng phẳng với người tiêu dùng, thưa GS?

- Đúng là chưa sòng phẳng với người tiêu dùng. Các quyết định hiện tại mới chỉ chấp nhận được nếu đứng trên góc độ Nhà nước nhưng vẫn nghiêng về lợi ích của doanh nghiệp. 

Xăng dầu có thể giảm giá nữa, nếu...  ảnh 2

Phiên giao dịch gần nhất tại Singapore, ngày 17-12, giá xăng RON92 chỉ còn 64,79 USD/thùng; dầu thô là 74,08 USD/thùng. Hiện các doanh nghiệp xăng dầu trong nước đang lãi từ 1.000-1.300 đồng/lít xăng dầu.


- Nếu thuế nhập khẩu xăng dầu được điều chỉnh lên 35%, mức này có quá cao không thưa GS?

- Nâng thuế nhập khẩu lên mức 35% là quá cao và sẽ ảnh hưởng đến giá cơ sở của doanh nghiệp. Vì vậy, phải giảm chi phí định mức xuống mới đảm bảo hợp lý quyền lợi Nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng rồi mới tính đến các giải pháp khác. Xu hướng giá dầu thô trên thế giới vẫn tiếp tục xuống, nên theo tôi việc này cần làm ngay. 

-  Theo GS, chi phí định mức kinh doanh xăng dầu nên giảm xuống mức bao nhiêu thì hợp lý?

- Trong tình hình hiện nay thì định mức cũ có thể chấp nhận được, tức là ở mức 860 đồng/lít. 

Doanh nghiệp xuất khẩu, xăng dầu vẫn được vay ngoại tệ

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở đánh giá thị trường ngoại tệ và mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015, NHNN sẽ tiếp tục cho các tổ chức tín dụng được tự quyết cho vay với 2 nhu cầu vay ngắn hạn nhập khẩu xăng dầu và phục vụ sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đến hết năm 2015.

Trước đó, với mục tiêu chống đôla hóa, giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng USD và nâng vị thế đồng nội tệ, NHNN đã có văn bản quy định chỉ cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay với các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị được vay ngoại tệ để giảm bớt chi phí, do đó NHNN đã cho phép các ngân hàng được cho vay ngoại tệ với 4 nhóm nhu cầu. Theo Phó Thống đốc, cần phải chuyển dần từ quan hệ cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán và Thông tư 29 là một phần trong lộ trình, các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay với các nhu cầu có ngoại tệ để trả nợ.