Trồng cà chua, dưa chuột bằng công nghệ... điện toán đám mây

ANTĐ - Hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nông nghiệp vẫn rất xa vời. Tuy nhiên, nếu không tăng tốc, Việt Nam khó bắt nhịp được với sự thay đổi chóng mặt của thế giới. Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin  - Asocio 2014 với chủ đề “CNTT- Phương thức phát triển kinh tế, xã hội và tái cấu trúc nông nghiệp” diễn ra ngày 29-10 được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá về tư duy. 

Trồng cà chua, dưa chuột bằng công nghệ... điện toán đám mây ảnh 1Ứng dụng những công nghệ hiện đại giúp nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi
(Trong ảnh: Hệ thống vắt sữa tự động hiện đại tại trang trại của Vinamilk)

Cơ hội chín muồi

Khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Lượng thông tin trao đổi qua internet trong 10 giờ bằng toàn bộ lịch sử cộng lại. CNTT tạo ra sự liên kết không giới hạn về không gian và thời gian, tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người, trong đó có nông dân có thể vươn lên”. Theo Phó Thủ tướng, đây chính là thời điểm chín muồi để ứng dụng CNTT vào nông nghiệp. 

Nhật Bản dù rất nghèo tài nguyên thiên nhiên nhưng nhờ ứng dụng CNTT mà nền nông nghiệp nước này rất hiện đại, được xây dựng thành chuỗi từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng. Tại Nhật Bản, thực phẩm trên toàn quốc đều được bảo quản ở nhiệt độ thấp ở mọi chu trình, từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng, đảm bảo chất lượng sản phẩm tươi sống, tránh tình trạng chất lượng nông sản giảm sút khi đưa ra thị trường. Việt Nam có thể tham khảo mô hình hợp tác xã nông nghiệp cộng đồng của Nhật Bản.

Theo đó, các gia đình sẽ quản lý lịch trình làm việc, theo dõi việc gieo trồng, độ ẩm, ánh sáng, lượng CO2 cung cấp… thực hiện hiện đại hóa nền nông nghiệp. Mô hình này giúp Chính phủ nắm rõ tình hình sản xuất nông nghiệp trên phạm vi cả nước: Cây trồng nào phù hợp, cần sản xuất bao nhiêu... rồi phân bổ cho từng vùng miền. “CNTT sẽ giúp Chính phủ hiểu rõ hơn về đặc thù vùng miền và có phương thức hỗ trợ phát triển nông nghiệp một cách hợp lý”- cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama khẳng định.

Diện mạo nền nông nghiệp sẽ thay đổi

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất tâm đắc khi được xem một phóng sự trên truyền hình nói về cuộc sống của một người nông dân chăn nuôi gà bằng âm nhạc. Người nông dân này bật nhạc từ internet, từ điện thoại cho gà nghe và năng suất trứng của đàn gà tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, thực tế ứng dụng CNTT vào nông nghiệp ở Việt Nam còn rất hạn chế. Đa số doanh nghiệp phần mềm “vẫn chưa chạm vào nông nghiệp”, chưa nghĩ đến các giải pháp công nghệ cao cho nhà nông. Theo ông Trương Gia Bình- Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam hiện còn thấp hơn cả Lào, Campuchia và chỉ có CNTT mới giải quyết được vấn đề này. Ví dụ, nhờ ứng dụng CNTT, một hecta đất của Israel có thể đạt năng suất “trong mơ” (tới hơn 3 triệu bông hồng/ha hay một con bò đem lại 11 tấn sữa/năm). 

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), người dân muốn áp dụng CNTT nhưng họ không có nguồn tin, chưa biết nên bắt đầu từ đâu hoặc không có đủ kinh phí. Vì vậy, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cần nhanh chóng vào cuộc, bởi nếu thấy khó mà không làm thì Việt Nam sẽ càng ngày càng tụt hậu.

Nhân dịp ASOCIO 2014 diễn ra, Tập đoàn Fujitsu Nhật Bản và Công ty Cổ phần FPT đã công bố hợp tác triển khai dịch vụ Akisai Cloud- Dịch vụ hỗ trợ toàn diện giải pháp quản lý nông nghiệp trên nền công nghệ điện toán đám mây với các loại cây trồng gồm: cà chua, dưa chuột, ớt ngọt và hoa lan. Giai đoạn 1 của dự án bắt đầu từ tháng 4-2015, FPT và Fujitsu sẽ hợp tác xây 2 trung tâm thực nghiệm ứng dụng dịch vụ Akisai Cloud tại Hà Nội và TP.HCM có diện tích tương ứng là 5 ha và 9 ha. 

1 nông dân Israel có thể nuôi sống 100 người

Chỉ với khoảng 3% dân số làm nông nghiệp, điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng CNTT đã giúp Israel không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu lương thực mà còn xuất khẩu nông sản 3 tỷ USD/năm. Đại diện tập đoàn Orca (Israel) cho biết, hiện nay, 1 lao động nông nghiệp có thể cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho trên 100 người, trong khi năm 1955 chỉ đảm bảo cho 15 người.