Sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn đứt đoạn

ANTĐ - Sau dưa hấu thì hàng loạt mặt hàng nông sản khác cũng rơi vào tình trạng “ế” như gạo, hành tím, hành tây… bởi sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ vẫn là những đường đứt đoạn. Làm thế nào để liên kết phối hợp hai khâu này đang là vấn đề cần đặt ra.

Sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn đứt đoạn ảnh 1Nông dân trồng vải thiều năm nào cũng loay hoay trong việc tìm đường tiêu thụ

Liên kết, phối hợp còn đủng đỉnh, hấp tấp

Hàng trăm hecta dưa hấu gặp lũ bất ngờ, nông dân phải bán đổ bán tháo; dưa hấu của bà con không xuất khẩu hết mắc kẹt ở cửa khẩu, từ đây chiến dịch “giải cứu” dưa hấu của một số cá nhân, tổ chức đã hình thành. Nhưng sau dưa hấu thì một loạt mặt hàng nông sản khác như gạo xuất khẩu bị ách tắc ở biên giới phía Bắc, hành tím của bà con Sóc Trăng, hành tây của bà con ở Đà Lạt không thể tiếp tục được tiêu thụ bằng tình thương. 

Từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 80 về việc liên kết bốn nhà (nhà nông, doanh nghiệp, Nhà nước và nhà khoa học) trong tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vai trò của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương. Song, trong khi bài toán liên kết vẫn chưa được giải thì nông sản dư thừa mỗi năm một nhiều và cứ tái diễn tình trạng chỗ thừa, nơi mua đắt. 

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, quy mô sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện vẫn là hộ gia đình, hộ cá thể nên không có điều kiện tổ chức liên kết bốn nhà. Trong khi đó, cơ chế, chính sách để tạo sự liên kết đến nay vẫn còn thiếu toàn diện, đôi khi được điều chỉnh bởi sự đứt đoạn trong quản lý Nhà nước. Ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho rằng, liên kết bốn nhà thời gian qua đã thực hiện và mang lại kết quả tốt?! “Từ một quốc gia bị thiếu đói về lương thực, Việt Nam đã vươn lên đứng nhất nhì về xuất khẩu gạo. Từ một nước không có tên trong bản đồ xuất khẩu nông sản thì nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã được cả thế giới biết đến”, ông Nguyễn Trọng Thừa cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, từ góc độ doanh nghiệp cho thấy, việc thực hiện Quyết định 80 về liên kết bốn nhà còn đủng đỉnh và hấp tấp. Mô hình sản xuất nông nghiệp đã dần thay đổi nhưng chính sách thì vẫn cũ kỹ. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, việc quản lý chuỗi nông sản nên để Bộ NN&PTNT duy trì. “Bộ NN&PTNT có Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối để lo việc xúc tiến, tiêu thụ nông sản nhưng lực lượng quá mỏng. Doanh nghiệp chúng tôi hay gọi là “Cục Sọ Dừa” vì không có tay chân. Theo tôi, sản xuất và tiêu thụ nên quy về một mối, đặt trách nhiệm cho một Bộ NN&PTNT”, Phó Chủ tịch VASEP nhận định.

“Đá bóng” giỏi!

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, sự phối hợp trong nhiều lĩnh vực đang là khâu yếu nhất. Các bộ, ngành đều vẽ ra quy hoạch rất đẹp, nhưng trách nhiệm thực hiện lại do các tỉnh, thành. Song, khi nông dân “xé rào” vượt quy hoạch thì trách nhiệm không thuộc về ai. “Khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn tiềm năng rất lớn về nông sản và thủy hải sản. Tuy nhiên, do chính sách không tốt nên nông sản cứ ách tắc, tiềm năng không được khai thác hết. Người vẽ cứ vẽ, người làm cứ làm. Các bộ,  ngành thì “đá bóng” rất giỏi trong khi phối hợp rất kém”, ông Nguyễn Hữu Dũng thẳng thắn nhìn nhận.

Mặc dù, qua từng mùa, vụ, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương đều ngồi lại, rút kinh nghiệm nhưng năm sau, tình trạng ế nông sản vẫn tái diễn. Sau dưa hấu, hành tím và gạo, nông dân đang lo lắng về vụ vải thiều Hải Dương, Bắc Giang sắp tới. Còn có sự nhìn nhận tự mãn với suy nghĩ “Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới” như đại diện Bộ NN&PTNT đã nói thì liệu nông dân có thể đặt niềm tin vào một tương lai không lo nông sản phải đổ bỏ? Lẽ nào lãnh đạo Bộ NN&PTNT cố tình không biết, giá trị xuất khẩu gạo và một số nông sản của Việt Nam trong top thấp nhất thế giới?

Xuất khẩu nông sản ngày một gặp khó khăn, nhiều mặt hàng nông sản đã bị sụt giảm mạnh. Quý I-2015, xuất khẩu nông sản chính đã sụt giảm 13%  về giá trị so với cùng kỳ 2014. Trong đó, một số mặt hàng nông sản chủ lực giảm sâu như gạo giảm 28%, cà phê giảm 40%, thủy sản giảm 20%... Theo lý giải của đại diện Bộ Công thương, quý I-2015 xuất khẩu nông sản của Việt Nam sụt giảm trong đó có nguyên nhân chính do một số nước như Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Campuchia gia tăng xuất khẩu nông sản!