Quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ: Làm khó doanh nghiệp

ANTĐ - Góp ý vào dự thảo quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (thay thế Thông tư 20) của Bộ KH-CN, đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, các quy định tại dự thảo làm tình hình rối thêm và có tính khả thi không cao.

 

Quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ: Làm khó doanh nghiệp ảnh 1Thông tư 20 đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp

Tiêu chí không rõ ràng

Theo dự thảo, điều kiện để được nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước như sau: Thời gian sử dụng không quá 10 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên. Còn đối với doanh nghiệp khác, thiết bị nhập khẩu cần đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí: Thời gian sử dụng không quá 10 năm hoặc chất lượng còn lại từ 80% trở lên. 

Ông Nguyễn Công Tuấn - Hiệp hội In Việt Nam cho hay, riêng khâu hoàn thiện sản phẩm có 80-85% thiết bị nhập khẩu về có tuổi đời từ 20-25 năm nhưng vẫn hoạt động tốt. “Nếu thông tư mới này được ban hành thì phần lớn doanh nghiệp in sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, rất khó để đánh giá thiết bị cũ còn bao nhiêu phần trăm”. Nếu lấy tiêu chí về thời gian, với thực tiễn ngành in, nhiều máy móc đã ra đời 40-50 năm nhưng vẫn hoạt động tốt. Vì thế, không cho nhập máy tuổi đời quá 10 năm là làm khó doanh nghiệp. 

Đề nghị cần hài hòa giữa việc hạn chế nhập khẩu máy móc thiết bị cũ để bảo vệ sản xuất trong nước với việc nhập khẩu các thiết bị này khi năng lực sản xuất của ta còn hạn chế, ông Nguyễn Đức Thịnh - đại diện Hiệp hội Cơ khí chế tạo cho rằng: “Không thể đánh giá máy móc còn bao nhiêu phần trăm. Chưa kể, tỷ lệ 80% là quá cao với máy móc đã qua sử dụng. Cần biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước nhưng nên giảm bớt những thủ tục nhiêu khê”.

Doanh nghiệp nhập khẩu không dại…

Theo ông Vũ Ngọc Bảo - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy Việt Nam, doanh nghiệp không dại gì mà nhập khẩu cả dây chuyền, máy móc cũ hàng trăm triệu USD về đắp chiếu, không sản xuất kinh doanh được. Tương tự, ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, dự thảo Thông tư 20 có nhiều điểm không logic, còn phân biệt doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp khác, trong khi chủ trương chung là tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp. “Nếu sợ doanh nghiệp Nhà nước mua đồ cũ như Vinashin thì chúng ta đã có Luật Đầu tư công kiểm soát”- ông Nguyễn Mại phân tích.

Theo vị chuyên gia này, năm 2015 mang đến cơ hội đầu tư kinh doanh rất lớn cho Việt Nam.

Các doanh nghiệp FDI đã chuyển khỏi Trung Quốc 34 tỷ USD vốn đầu tư và Việt Nam là một trong những điểm đến được chú ý. “Microsoft, Samsung đang chuyển khỏi Trung Quốc. Nhà máy Micosoft từ 150 triệu USD nâng lên thành 1,5 tỷ USD. Ai kiểm tra nhà máy của họ nếu không phải chính họ? Họ cũng không dại gì chuyển nhà máy cũ vào đây để rồi không hoạt động được. Tư duy của chúng ta phải thay đổi, không nên đặt thêm rào cản cho hoạt động của doanh nghiệp. Bộ KH-CN nên xem xét có cần cho ra đời thông tư này hay không?” - ông Nguyễn Mại chia sẻ. Kinh nghiệm tại Mexico từ những năm 2000 cho thấy, doanh nghiệp nước ngoài muốn đưa máy móc thiết bị vào không phải làm thủ tục gì, miễn là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn lao động, môi trường. Nếu bị phát hiện không đáp ứng các yêu cầu trên, doanh nghiệp phải sửa chữa hoặc máy móc sẽ bị phá bỏ. 

Theo đại diện của Microsoft và một số doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, quy định tại dự thảo Thông tư 20 chưa rõ ràng, tạo ra rào cản đối với quyết định đầu tư tại Việt Nam của những doanh nghiệp này. 

Sự ra đời của Thông tư 20 có mục đích chính là không biến Việt Nam thành “bãi rác” công nghệ song không cản trở doanh nghiệp đầu tư hay vi phạm các cam kết quốc tế. Để đảm bảo các yêu cầu này, ông Đoàn Năng - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH-CN) cho rằng: “Cần phân loại máy móc theo nhóm và có tiêu chí đánh giá phù hợp cho từng nhóm. Nếu máy móc đó đáp ứng được yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, môi trường thì nên cho nhập” - ông Đoàn Năng nói.