Nỗi đau nhức lòng mùa Nấm

(ANTĐ) - Từ đầu năm tới nay, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai liên tục tiếp nhận các vụ ngộ độc nấm. Có gia đình bị ngộ độc cả nhà, một số trong cơn nguy kịch, một số người đã chết. Khuyến cáo đặc biệt cho những người thích nấm.

Nỗi đau nhức lòng mùa Nấm

(ANTĐ) - Từ đầu năm tới nay, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai liên tục tiếp nhận các vụ ngộ độc nấm. Có gia đình bị ngộ độc cả nhà, một số trong cơn nguy kịch, một số người đã chết. Khuyến cáo đặc biệt cho những người thích nấm.

Cán bộ Trung tâm CNSHTV đang chăm sóc nấm rơm.
Cán bộ Trung tâm CNSHTV đang chăm sóc nấm rơm.

Tử vong vì dễ dãi trong ăn nấm

Năm nào cũng vậy, cứ mưa xuân xuống là nấm hoang mọc nhiều vô kể, thân nấm mập mạp, trắng nuột rất hấp dẫn mắt người, tưởng nấm lành, ai dè nắm độc.

Nhà ông Tráng Văn Kết (Đồng Hương, Đồng Yên, Bắc Quang, Hà Giang), trưa 25/2/2008 các on ông là Thủy và Nhất đi trồng lạc về, thấy bụi nấm nõn nà mơn mởn ven đường mới hái về hỏi bố xem có ăn được không. Ông Kết nhìn cảm quan cho là ăn được. Hậu quả là cả ông và những người cùng ăn đều bị ngộ độc. Vào viện ông và một người con đã chết, 2 người đang trong cơn nguy kịch.

Có những người nhìn cụm nấm thấy lăn tăn, nhưng vẫn hái đưa vào bữa ăn như nhà anh Dương Kim Trình ở Phú Thọ. Anh Trình phờ phạc sau khi thoát khỏi tử thần, sức khỏe sụt giảm cho biết: Đi phát nương thấy cụm nấm  có màu trắng, thấy rễ nấm cụt lủn cũng ngần ngài, nhưng cho là đứt rễ nên cứ hái. Hậu quả là cả nhà 4 người bị ngộ độc, tới BV Bạch Mai thì con trai lớn 13 tuổi chết. Anh phải bỏ vợ và cậu út lại để về quê làm tang cho con lớn và… chưa dám báo tin dữ cho vợ biết.

Có những nhà thiếu hiểu biết, khi thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn  – triệu chứng của ngộ độc mà không… đi khám ngay như vụ nhà ông Mề Văn Giót và Lò Thị Thi ở Phù Nham (Văn Chấn, Yên Bái). Hai ông bà xào 4 cây nấm cùng cháu Mề Văn Thiên, 9 tuổi ăn trưa ngày 25/2/2008. Ăn xong, bà Thi thấy đau đầu nhưng không nói cho ai biết. Tới lúc cả 3 đều đau đầu, buồn nôn… mới được người nhà đưa tới trạm xá và được chuyển ngay lên BV Đa khoa Nghĩa Lộ. Cả hai ông bà vẫn nói là ăn ốc nấu măng, chứ không nói là ăn nấm, dẫn tới ngộ độc quá nặng và tử vong cả.

Khi đã bị ngộ độc thì nhà nào cũng rơi vào cảnh đau thương, túng bấn bởi hầu hết nhà nghèo mới phải hái nấm hoang về cải thiện bữa ăn. Ai cũng biết nấm rất bổ dưỡng, nhưng vì thiếu hiểu biết về nấm nên đã quẫn càng thêm quẫn bách.

Người dân mua nấm thành phẩm tại Trung tâm.
Người dân mua nấm thành phẩm tại Trung tâm.

Nấm sạch ở đâu?

Theo các nhà khoa học, nấm ăn là một loại đạm thực vật giàu chất dinh dưỡng, có thể điều trị và kháng bệnh nếu đã qua chọn lọc bằng kinh nghiệm và khoa học, được trồng nơi an toàn, sạch sẽ.

Nhưng ngoài thị trường, chất lượng nấm ăn phụ thuộc vào lương tâm của thương nhân và khó tránh khỏi bị dùng chất kích thích, hóa chất bảo quản độc hại như với các loại rau củ. Nếu nấm bị trồng trên nguyên liệu bẩn, tưới nước bẩn, môi trường xung quanh nhiễm bẩn (kim loại nặng, nitơrít, chất có phóng xạ...) có thể nấm sẽ hấp thụ chất độc vào quả thể.

Nấm tự nhiên thì việc phân biệt nấm lành và nấm độc không dễ vì mỗi nhóm có những đặc điểm riêng. Cách nhận biết cảm quan chỉ có tính tương đối, hạn chế. Do đó người dân và những người thích sưu tầm, thu hái nấm thiên nhiên rất cần những cuốn sổ tay, cẩm nang khổ nhỏ, in màu rõ ràng chính xác, ghi chú, định loại và đặc tính nấm thật tin cậy.

Hiện ở các làng quê, nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm đã và đang trở thành món ăn hấp dẫn vì giá trị dinh dưỡng, sạch, được coi là cây xóa đói giảm nghèo. Các loại nấm ăn này có nguồn gốc từ Trung tâm Công nghệ Sinh học Thực vật (Viện Di truyền Nông nghiệp) chuyển giao công nghệ nuôi trồng cho bà con nông dân. 15 năm qua, trồng nấm đã trở thành nghề, thu hút nông dân bởi hiệu quả hơn trồng lúa, nguyên liệu dễ kiếm từ rơm, rạ, mùn cưa, thân cây ngô… Tới nay Trung tâm đã tạo ra hơn 10 giống nấm, có giống mới nhập nội như đuôi gà (sò vua), Trân Châu (vàng, trắng), Ngọc Trâm, Kim Châm, đầu khỉ. Tổ chức được 117 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng nấm cho bà con. Mỗi năm Trung tâm cung ứng khoảng 300 tấn giống gốc, giống cấp 1, 2 các loại nấm ăn và nấm dược liệu.

Năm 2007, Trung tâm đã chuyển giao công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm cho hơn 40 tỉnh, thành, góp phần nâng sản lượng xuất khẩu nấm lên 170.000 tấn / năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, lại có tác dụng cải tạo môi trường đồng ruộng và cung cấp thêm “thực phẩm sạch" cho người tiêu dùng. Đáng tiếc là nghề trồng nấm chưa có bước đột phá, quy mô nhỏ, lẻ nên sản lượng  thấp và nhiều dân nghèo chưa biết tới.

Ông Thân Đức Nhã, Trưởng phòng Chuyển giao Công nghệ (Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật) cho biết: “Trung tâm thường chuyển giao công nghệ theo chương trình, cứ có hợp đồng là chúng tôi xuống triển khai. Chúng tôi đã chuyển giao công nghệ tới đồng bào vùng núi, vùng sâu vùng xa như Lai Châu, Lạng Sơn, Sơn La… và đã  tới những xã rất sâu, xa. Nhưng vấn đề là sự đón nhận thông tin của bà con, bà con có kênh thông tin nào không (tờ rơi, tờ gấp, báo đài…). Nhưng muốn phát triển nghề trồng nấm tới bà con, cần khơi dậy tiềm năng sản xuất, chế biến và kinh doanh, tập trung nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân (trước hết là các cán bộ địa phương) hiểu về giá trị, lợi ích… của việc trồng nấm mới tạo được đà thúc đẩy việc nuôi trồng nấm sâu rộng vào địa bàn nông thôn, miền núi. Ngành nông nghiệp có hệ thống khuyến nông với các khuyến nông viên rất rộng lớn, nếu nghề trồng nấm được triển khai qua hệ thống chân rết đó thì rất tốt. Trung tâm đang phấn đầu đưa cây nấm vào chương trình cây trồng nông nghiệp. Khi đã vào được, chúng tôi sẽ có chỉ đạo cho bà con trồng vào tháng nào, vụ nào… để đạt kết quả cao”.

Nếu nghề trồng nấm được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ, bà con sẽ tự cung, tự cấp được nấm ăn. Trung tâm còn hướng dẫn bà con cách phơi, sấy nấm khô làm thực phẩm ăn dần. Việc thu hái nấm tự nhiên thiếu kinh nghiệm, dẫn tới ngộ độc chết người vì không phân biệt được nấm lành, nấm độc hàng năm sẽ giảm thiểu rất nhiều. Và như thế sẽ bớt rất nhiều nỗi đau nhức lòng của người dân nông thôn, miền núi mỗi khi vào mùa nấm.

Dương Hà

Khuyến cáo

- Không nên ăn nấm không rõ nguồn gốc. Chỉ nên ăn những loại nấm có địa chỉ rõ ràng (nấm tự trồng, nấm của các cơ sở trồng hoặc chuyên kinh doanh nấm ăn).

- Nấm thường ăn cùng với thực phẩm khác, nhưng nếu thực phẩm này bị vi khuẩn xâm nhập, ôi, mốc, lên men... thì vẫn gây ngộ độc cho người ăn.

- TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), khuyến cáo, đang mùa nấm, bà con nếu không có kinh nghiệm hoặc chỉ dẫn chính xác thì không nên thu hái nấm hoang làm thực phẩm.

- Nếu bị ngộ độc nấm cần phải tới ngay các cơ sở y tế càng sớm càng tốt (nên mang theo mẫu nấm để sớm tìm ra chất kháng độc).Hoặc liên hệ gấp với Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai – 78 đường Giải Phóng – Hà Nội (ĐT: 04.8697501).

Phòng ngộ độc nấm

- Chỉ hái và sử dụng khi biết chắc chắn là nấm ăn được.

- Phải kiểm tra, xác định nấm thật kỹ trước khi nấu, kiên quyết loại bỏ nấm lạ.

-  Nếu không tự tay hái nấm hoặc không có người phân loại thành thạo nấm độc kiểm tra giúp thì không được ăn.

- Tuyệt đối không ăn thử nấm vì có thể gây chết người nếu trúng nấm độc.

- Không hái nấm non,  nấm chưa xoè mũ sẽ khó thấy hết đặc điểm.

Triệu chứng ngộ độc

Ngộ độc xuất hiện thường 2-4 giờ sau khi ăn .Có thể sớm hơn (khoảng 20-30 phút sau ăn) hoặc muộn hơn (khoảng 20 giờ sau ăn) nhưng càng muộn thì chất độc càng ngấm sâu.

Sau khi ăn nấm, nếu thấy đau đầu, hoa mắt, đau bụng dữ dội thành từng cơn, buồn nôn, đi ngoài ra nước tanh thối, dính máu, toàn thân mệt mỏi, lạnh toát, bí tiểu, khát nước, người tái xanh, tức thở, thở gấp, co giật… cần gây nôn và đưa đi cấp cứu ngay.

Không cho nạn nhân uống các loại thuốc có rượu vì chất độc của nấm dễ lan trong rượu và ngấm rất nhanh vào máu. Cần sơ cứu ngay cho những người cùng ăn nấm nhưng chưa xuất hiện triệu chứng ngộ độc.

Dương Hà