Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên… mạng xã hội

ANTĐ - Có cái chợ nào lớn hơn cái chợ trên mạng và giới kinh doanh tranh thủ bày hàng tại đây là đương nhiên. Chính vì vậy trào lưu kinh doanh trên các mạng xã hội đang nở rộ với quy mô thị trường ngày càng lớn. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 45% người sử dụng internet có tham gia mua sắm qua các mạng xã hội. Tuy nhiên, do các hoạt động này hoàn toàn tự phát nên hệ quả tất yếu là việc không thực hiện nghĩa vụ thuế đã đành mà vấn đề an toàn trong thương mại cũng không đảm bảo, rất nhiều gian lận trong kinh doanh trên mạng đã xảy ra. 

Trước thực tế đó, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 47/2014/TT-BCT, có hiệu lực từ 20-1-2015, hướng dẫn các quy định về quản lý website thương mại điện tử, các mạng xã hội có một trong các hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử, thì phải đăng ký với Bộ Công thương. Những chính sách mới đối với thương mại điện tử hy vọng sẽ từng bước đưa kinh doanh trên mạng xã hội vào trật tự, góp phần phát triển phương thức kinh doanh hiệu quả này.

Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên… mạng xã hội ảnh 1

Phải chịu trách nhiệm với chất lượng hàng hóa

Để ngăn chặn tình trạng bán hàng nhái, hàng giả trên các mạng xã hội, Bộ Công thương quy định các chủ sàn giao dịch thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm với chất lượng hàng hóa được bày bán trên sàn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ sàn cho biết điều này khó thực hiện được do người bán hàng được phép tạo gian hàng mà không cần phải qua kiểm soát của chủ sàn giao dịch. Vậy, làm thế nào để thực hiện được điều này theo quy định của pháp luật? Chính sách mới quy định về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ bán hàng trên mạng trong việc loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này. Như vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về người bán, nhưng chủ sàn cũng phải chủ động phát hiện và chịu một phần trách nhiệm khi trên sàn bán các loại hàng hóa vi phạm pháp luật. Quy định này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh hơn và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng.

Như vậy, không phải mạng xã hội nào cũng phải đăng ký hoạt động với Bộ Công thương mà chỉ các mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử mới phải đăng ký và tuân thủ các quy định liên quan tới sàn giao dịch thương mại điện tử.

 Nếu như đến ngày 20-1-2015, khi Thông tư số 47/BCT có hiệu lực, các mạng xã hội trong diện phải đăng ký chưa đăng ký với Bộ Công thương sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định185/2013/NĐ-CP về vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mức phạt sẽ bị xử từ 40 - 60 triệu đồng. Để tạo điều kiện thực hiện các chính sách mới, Bộ Công thương đã đơn giản tối đa các thủ tục hành chính. Các thương nhân, tổ chức đăng ký sàn giao dịch TMĐT với Bộ Công thương thực hiện thủ tục này trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử www.online.gov.vn.

Ai sẽ phải đăng ký?

Theo quy định tại Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử, các mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động sau sẽ phải tiến hành thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT, bao gồm: website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ, website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ. Các mạng xã hội nước ngoài được đăng ký thành lập, hoạt động tại Việt Nam có các hình thức hoạt động như trên, cũng phải đăng ký với Bộ Công thương.

Trách nhiệm của những người kinh doanh trên các mạng xã hội

Trước tiên, phải khẳng định, người kinh doanh trên các mạng xã hội không phải đăng ký với  Bộ Công thương. Họ chỉ phải có trách nhiệm với các trang mạng xã hội mà họ kinh doanh trên đó. Họ phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán, mã số thuế cá nhân (nếu có)… cho chủ mạng xã hội khi sử dụng mạng xã hội vào mục đích kinh doanh. Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định khi bán hàng hóa. Đảm bảo tính chính xác, trung thực về thông tin của hàng hóa, dịch vụ cung cấp hàng hóa trên mạng. Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mãi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên mạng xã hội cũng như trên sàn giao dịch thương, mại điện tử. Thực hiện các quy định khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến. Cung cấp tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà Nước có thẩm quyền. Mặt khác, người bán hàng trên mạng cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mãi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch. Tất cả những yêu cầu này nhằm mục đích đảm bảo tinh trung thực, minh bạch trong kinh doanh trên mạng, dành lại sự tin cậy của người tiêu dùng, ngăn ngừa gian lận thương mại. 

Bán hàng trên mạng có phải đóng thuế không?

Ngay khi thông tin về Thông tư 47/2014/TT-BCT được phổ biến, quan tâm lớn nhất của những người tham gia kinh doanh trên các mạng xã hội là những người bán hàng trên mạng có phải đóng thuế không? Những thắc mắc này cũng có những nguyên nhân rất đáng được các cơ quan thuế quan tâm. Có nhiều người có doanh nghiệp, có cửa hàng kinh doanh trên thị trường, việc bán hàng trên mạng chỉ là một bước phát triển thêm.

Tại cơ sở kinh doanh của mình, họ đã đóng thuế, vậy nếu thu thuế hoạt động bán hàng trên mạng sẽ dẫn đến thuế chồng thuế. Một số người kinh doanh thêm trên mạng như một nghề phụ thì băn khoăn không biết tính thuế như thế nào? Và chung nhất, không ai biết cơ quan thuế sẽ thu và giám sát việc nộp thuế như thế nào. Để trả lời câu hỏi này, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cũng cho biết, theo nguyên tắc Luật Quản lý thuế, đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Đó là quyền và nghĩa vụ của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào. Thông tư số 47/BCT không quy định về việc nộp thuế của người bán hàng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức kinh doanh thì người bán hàng trên đó cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Việc kê khai thuế, cách thức thu thuế, mức thuế, loại thuế… được áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành về thuế và quản lý thuế.

Theo quy định này, website mua bán hàng hay mạng xã hội như Facebook, twitter... chỉ là phương tiện để kinh doanh. Cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) dù dùng hay không dùng Facebook để quảng bá bán hàng… thì cũng phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN... theo quy định riêng về thuế. Cụ thể, những người buôn bán không cố định, không thường xuyên thì không cần đăng ký. Như vậy, từ 20-1- 2015, cá nhân bán hàng (qua Facebook, bán trực tuyến...) có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm thì mới chịu thuế thu nhập cá nhân. Bán hàng thu nhập không đến 100 triệu đồng/năm thì dù có rao bán trên một chục website đi nữa cũng không chịu thuế này. Ngoài ra, hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng thì cá nhân cũng phải nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định.

Sẽ hạn chế được gian lận khi mua hàng trên mạng 

Thực trạng gian lận thương mại hiện nay đang là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu thức ngày càng tinh vi của các trang mua bán điện tử, các tài khoản bán hàng trên các mạng xã hội. Các khiếu nại của khách hàng chủ yếu liên quan đến việc khách hàng đã thanh toán nhưng không nhận được sản phẩm, dịch vụ, hoặc sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hoặc bị mất thông tin cá nhân của chủ tài khoản. Nạn ăn cắp thông tin, gian lận tài chính và quảng cáo quấy rối người dùng là thực trạng đáng buồn của kinh doanh trên mạng tại Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, việc ban hành các chính sách, ngày càng cụ thể hơn với kinh doanh trên mạng sẽ góp phần ngăn chặn gian lận thương mại.

 Các hành vi bị cấm

Kể từ 20-1-2015, các hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng trên mạng, bao gồm: Vi phạm về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; Vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử; Vi phạm về giao dịch trên website thương mại điện tử; Và các vi phạm khác như: đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Giả mạo hoặc sao chép giao diện website thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để kiếm lợi hoặc để gây nhầm lẫn, gây mất lòng tin của khách hàng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân đó.