Máy tính bảng, điện thoại di động hết hạn sử dụng, thu hồi như thế nào?

ANTĐ - Từ ngày 1-1-2015, các thiết bị như điện thoại di động, máy tính bảng, pin, ắc-quy... khi hết thời hạn sử dụng hoặc thải bỏ sẽ bị thu hồi. Đây là quy định tại Quyết định 50/2013/QĐ-TTg về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ do Chính phủ ban hành. Mặc dù thời hạn đã cận kề, nhưng người dân cũng như doanh nghiệp vẫn còn nhiều băn khoăn vì không biết thực hiện như thế nào. 

Máy tính bảng, điện thoại di động hết hạn sử dụng, thu hồi như thế nào? ảnh 1Việc thu hồi, xử lý các sản phẩm công nghiệp thải bỏ là một thách thức lớn

Hàng loạt sản phẩm trong diện phải thu hồi

Theo Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg, từ ngày 1-1-2015, các sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải ra sau quá trình sử dụng như ắc quy, pin, thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp; hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản; thuốc sử dụng cho người, dầu nhớt, mỡ bôi trơn... sẽ bị thu hồi và xử lý. Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thải bỏ phải có trách nhiệm thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; thỏa thuận với người tiêu dùng về cách thức chuyển giao và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi, vận chuyển đến cơ sở xử lý...

Cũng theo quyết định này, từ ngày 1-1-2016, sẽ thu hồi và xử lý máy sao chụp giấy, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt và săm, lốp các loại thải bỏ. Đến ngày 1-1-2018, các loại phương tiện giao thông như xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô các loại thải bỏ cũng sẽ bị thu hồi và xử lý. 

Trên thực tế, hiện có nhiều  làng nghề tái chế góp phần tận thu, tái sử dụng một lượng lớn các chất thải công nghiệp và sinh hoạt. Tuy nhiên, với quy mô nhỏ, thiết bị - công nghệ lạc hậu, quá trình tái chế phát sinh nhiều loại chất thải gây ô nhiễm môi trường. 

Tại hội thảo Xây dựng chính sách, pháp luật về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ tại Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 25-11, các chuyên gia chỉ rõ: “Thực tế cho thấy, hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ thời gian qua chưa được chặt chẽ, chủ yếu do doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình tại các làng nghề tự phát thực hiện. Điều quan trọng là chưa gắn kết được các cá nhân, tổ chức có liên quan như doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu, phân phối, người tiêu dùng tham gia vào quá trình này. Việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết: “Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg là cơ sở pháp lý quan trọng quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ các bên liên quan trong việc  thu hồi, xử lý các sản phẩm thải bỏ”. 

Quá nhiều băn khoăn

Mặc dù thời điểm bắt đầu thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ chỉ còn hơn 1 tháng, nhưng doanh nghiệp vẫn còn nhiều băn khoăn.

Ông Phạm Hồng Quân - Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam (VAMM) nêu ý kiến: “Rất nhiều phụ tùng xe máy thải bỏ có thể bán được. Dầu thải và ắc quy có thể bán cho những cơ sở vận chuyển, xử lý không được cấp phép. Các cơ sở này có giá thu mua cao hơn so với cơ sở được cấp phép. Tình trạng này gây khó khăn cho hoạt động thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ theo đúng quy định. Chúng tôi đề nghị bắt đầu thu hồi thí điểm đối với phụ tùng xác định rõ được địa chỉ trách nhiệm”, đại diện VAMM nói. Trong khi đó, đại diện Công ty Panasonic băn khoăn về khó khăn khi báo cáo kết quả thu hồi sản phẩm có nhiều tầng lớp nhà phân phối. 

Từ phía người tiêu dùng, anh Trịnh Huy Đông (Đống Đa – Hà Nội) cũng hết sức băn khoăn: “Quy định như vậy nhưng người sử dụng các sản phẩm điện thoại, máy tính bảng không biết thực hiện ra sao bởi đây là các tài sản có giá trị và nhà sản xuất cũng không ghi rõ hạn sử dụng là bao nhiêu năm”. 

Ông Hoàng Minh Sơn - Phó Cục trưởng Cục chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường cho biết: “Đến nay, Tổng cục Môi trường đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng dự thảo thông tư thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ”. Đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng cho biết, những băn khoăn, vướng mắc từ phía người dân, doanh nghiệp nêu trên sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để đưa ra giải pháp hướng dẫn chi tiết và phù hợp tại thông tư hướng dẫn. 

Mỗi cá nhân và cộng đồng cần nâng cao ý thức 

Luật Bảo vệ môi trường đã thể hiện sự tiến bộ trong việc phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý và các bên liên quan, đề xuất những biện pháp mạnh mẽ để giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, trong đó có rác thải. 

Số liệu thống kê cho thấy, tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 15 triệu tấn chất thải rắn được thải ra môi trường. Trong đó, các chất thải nguy hại bao gồm cả chất thải y tế nguy hại, các chất dễ cháy và chất độc hại phát sinh từ quá trình sản xuất công nghiệp. Điều đáng nói là chỉ có hơn 50% chất thải nguy hại được xử lý, số còn lại bị chôn lấp, đổ bừa bãi ra môi trường. Dự kiến đến năm 2015, tổng lượng chất thải phát sinh có thể lên đến trên 35 triệu tấn. Với số lượng chất thải khổng lồ như vậy, nếu Nhà nước không có biện pháp quản lý tốt sẽ là mối đe dọa lớn đối với môi trường và cuộc sống của người dân.

Rác thải không chỉ là mối lo ở các đô thị mà còn là bài toán khó đối với khu vực ngoại thành, các vùng nông thôn. Tình trạng rác thải xuất hiện ở khắp nơi không chỉ tác động tiêu cực tới môi trường đất, nước, không khí... mà còn làm đảo lộn sinh hoạt của người dân, làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Đáng mừng là Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã đưa ra những biện pháp mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề rác tại Việt Nam hiện nay. Đó là việc phân rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương đặc biệt là của người dân trong cộng đồng. Luật còn quy định những nguyên tắc như gây ô nhiễm phải trả tiền, quy định rõ những biện pháp mạnh mẽ hơn như phân loại rác thải nguồn, tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu rác… Đây chính là hướng đi mới vô cùng tiến bộ để giải quyết nạn rác thải.

Tuy vậy, để Luật Bảo vệ môi trường phát huy hiệu quả như mong muốn, điều quan trọng nhất là mỗi cá nhân và cộng đồng cần nâng cao ý thức trong việc giải quyết vấn đề này.

Thạc sỹ Nguyễn Văn Khương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)