Hàng loạt dự án “tỷ đô” sẽ được Samsung đầu tư trong năm 2015

ANTĐ - Samsung hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam (trong lĩnh vực phi dầu khí) với tổng số vốn đầu tư đăng ký lũy kế đạt trên 12,6 tỷ USD. Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, tập đoàn này muốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực như: hạ tầng, công nghiệp… bên cạnh lĩnh vực không thể thiếu là điện tử.

Hàng loạt dự án “tỷ đô” sẽ được Samsung đầu tư trong năm 2015 ảnh 1Samsung sẽ đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam 

Tích cực xúc tiến

Ở lĩnh vực hạ tầng, ngày 14-10-2014, Công ty Samsung C&T và Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) đã ký Biên bản ghi nhớ về việc phát triển Dự án BOT nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3 tại Hà Tĩnh. Dự án có công suất 2 x 600 MW với tổng vốn đầu tư ước khoảng 2,45 tỷ USD. Hiện nay, Công ty Samsung C&T đã thuê các công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 và 2 chuẩn bị báo cáo khả thi và sẽ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt vào cuối tháng 2-2015.

Đáng chú ý, tập đoàn này hé lộ muốn đầu tư vào dự án Sân bay Quốc tế Long Thành nếu được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết, Samsung sẽ nghiên cứu và xin tham gia đầu tư, xây dựng, vận hành một số hạng mục của dự án này. Kế hoạch đặt ra là trong quý I-2015, Samsung sẽ triển khai chuẩn bị Báo cáo tiền khả thi và đưa ra quyết định đầu tư trong năm 2015.

Samsung cũng dự kiến sẽ đầu tư từ 2,6-2,8 tỷ USD vào công nghiệp đóng tàu vào cuối năm 2015 tại Tổ hợp nhà máy đóng tàu tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2015-2018) và giai đoạn 2 (2018-2025) với quy mô khoảng 300ha. Mục tiêu của Samsung là xây dựng tổ hợp này thành 1 trong 10 nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới. Bộ KH-ĐT đã kiến nghị Văn phòng Chính phủ giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa tích cực xúc tiến đầu tư của Samsung tại dự án.

Ngoài ra, tập đoàn này đã đồng ý địa điểm đầu tư Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) rộng 3ha do UBND TP Hà Nội giới thiệu tại khu Manor Central Park. Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, Samsung SDS đang trao đổi với Viettel về hợp tác phát triển hệ thống quản lý xe buýt và y tế thông minh. 

Tổng vốn đầu tư có thể tăng lên 20 tỷ USD 

Năm 2014 đánh dấu sự đầu tư mạnh mẽ của Samsung tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử. Tháng 7-2014, UBND tỉnh Bắc Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư 1 tỷ USD cho Công ty 

Samsung Display sản xuất các thiết bị màn hình hiện đại tại khu công nghiệp Yên Phong. Tháng 10-2014, UBND TP.HCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư 1,4 tỷ USD cho Công ty Samsung Electronics đầu tư dự án Samsung CE Complex (SECC) tại Khu công nghệ cao TP.HCM, chuyên sản xuất, nghiên cứu các sản phẩm điện tử gia dụng, văn phòng, công nghệ cao và cơ sở R&D. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công vào tháng 1-2015 và bắt đầu hoạt động từ quý II-2016. Đến tháng 11-2014, UBND tỉnh Thái Nguyên đã trao giấy chứng nhận đầu tư giai đoạn II dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên với quy mô đầu tư 3 tỷ USD tại khu công nghiệp Yên Bình. 

Bộ KH-ĐT cho biết, chỉ tính riêng năm 2014, Samsung đã đầu tư thêm 5,4 tỷ USD (chiếm 31% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tính đến cuối tháng 11-2014). Nếu các dự án đang xúc tiến triển khai thuận lợi, đến hết năm 2017, tổng vốn đầu tư đăng ký của Samsung tại Việt Nam có thể tăng lên thành 20 tỷ USD. 

“Những lĩnh vực, dự án Samsung quan tâm đầu tư phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và góp phần quan trọng quảng bá môi trường đầu tư, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp FDI đối với Việt Nam” - đại diện Bộ KH-ĐT đánh giá. Chính vì vậy, Bộ KH-ĐT đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan như: Công Thương, GTVT; các địa phương: Hà Nội, Thái Nguyên, Khánh Hòa và Tập đoàn Viettel xem xét hợp tác đầu tư với Samsung.