Độc đáo quất bonsai đón Tết

ANTĐ - Khác với mọi năm, người chơi quất năm nay đã có một thú chơi mới - quất bonsai. Ở làng Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội hiện giờ, nhà anh  Phạm Ngọc Huy - Phạm Ngọc Hiếu là một trong số ít những hộ gia đình thành công nhờ việc kinh doanh quất bonsai . 

Độc đáo quất bonsai đón Tết ảnh 1Anh Phạm Ngọc Hiếu chăm chút cho cây quất bonsai

Chán cây to, mê cây nhỏ

Cứ vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, người dân Hà Nội đổ xô đến các vườn quất ở Quảng Bá, Tứ Liên… để sắm cho mình chậu quất, chậu đào ưng ý. Để “đổi món” cho Tết năm nay, thay vì chơi quất truyền thống, khách hàng nô nức về làng Tứ Liên để tìm cho mình một cây quất bonsai đón năm mới. Và địa chỉ tin cậy được các dân sành quất tìm đến là vườn của hai anh em Phạm Ngọc Hiếu - Phạm Ngọc Huy. 

Sinh ra trong một gia đình trồng quất truyền thống, ông chủ  Phạm Ngọc Huy, năm nay 28 tuổi cho biết, từ cách đây 3-4 năm, anh bắt đầu nghiên cứu tạo thế cho quất. Bắt được xu hướng người chơi quất săn tìm những cây có thế “độc”, lạ, anh bắt đầu chọn giống, nghiên cứu các dáng cây để làm ra những chậu quất bonsai. Trong  khu vườn rộng 500m2 có đủ loại quất bonsai, từ các thế thẳng đứng, nghiêng cho đến thác đổ… được tạo dáng kỳ công.

Anh Huy chia sẻ, ngay từ khi cây còn bé, người trồng đã dùng dây để chằng lại, cố định dáng. Trong quá trình 4-5 tháng chờ cây thành hình, anh phải trực tiếp theo dõi kỹ lưỡng từng bước phát triển của cây, từ gò cây, tỉa cành, tuốt lá cho đến bón phân, tưới nước… Đó là chưa kể đến dịp gần Tết, các cây quất cảnh phải mang ra tỉa tót, làm đẹp mà nói như anh là chẳng khác gì… đưa cô gái về nhà chồng, cũng “đánh son, dặm phấn” cho đẹp, cho tươi. Là người trực tiếp tạo thế cho cây, anh Huy làm theo cảm nhận và thẩm mỹ của riêng mình chứ không sao chép hay phụ thuộc vào các thế cây có sẵn của Nhật Bản.  

Kỳ công là thế nhưng thời điểm thử nghiệm, cả hai anh em cũng gặp không ít thất bại. Mạnh dạn đầu tư 300-500 triệu đồng cho riêng dòng quất    bonsai, anh trai Huy -  Phạm Ngọc Hiếu cho biết cũng phải chấp nhận rủi ro. Có những trường hợp họ phải mất công làm lại từ đầu vì cây không phát triển đúng như ý, ví như khi thì thế không đẹp, khi thì cây không sai quả, rụng lá... Anh Hiếu cho biết, cây rất nhạy cảm với thời tiết nên chỉ lơ là một chút là hỏng rất nhiều. Bởi vậy, riêng với quất bonsai, hai ông chủ phải dành một chế độ chăm sóc đặc biệt ở trong nhà bạt, có mái che để tránh rét, sương xuống. 

Độc đáo quất bonsai đón Tết ảnh 2Quất bonsai có nhiều kiểu dáng độc đáo, đẹp mắt

“Độc”, lạ và không tốn kém

Ông chủ trẻ Phạm Ngọc Hiếu cho biết, hiện cả vườn có khoảng 200 chậu quất bonsai, nhiều chậu đã được đặt hàng từ vài tháng trước. Tuy nhiên, thời điểm tiêu thụ mạnh nhất là ngoài rằm tháng Chạp. Giá một chậu quất bonsai cũng không quá đắt đỏ so với quất truyền thống, từ 500.000 đến 2-3 triệu đồng. Tùy vào độ khó của thế cây và cây gốc to hay nhỏ, nên giá thành sẽ cao hay thấp… Bởi vậy người chơi quất sẽ có nhiều lựa chọn. Quất bonsai vừa đẹp, lịch sự, độc đáo, lại không cồng kềnh, tốn diện tích nên trở thành mặt hàng bán chạy trong Tết năm nay. Rất nhiều khách chơi quất biết tiếng đã tìm về tận vườn của hai anh em Hiếu – Huy để sở hữu một chậu quất bonsai. Anh Hoàng Xuân Thắng (Âu Cơ, Tây Hồ) cho biết: “Tôi năm nào cũng mua quất ở đây. Mọi năm tôi hay mua quất truyền thống, năm nay tôi sẽ mua một cây quất bonsai để mang đi biếu”. 

Không nhận mình là người tiên phong trong việc cho “ra lò” quất bonsai, nhưng tiếng tăm của hai anh em Phạm Ngọc Hiếu - Phạm Ngọc Huy đã lan khắp bởi những chậu quất cảnh mang phong cách độc đáo, đa dạng và cả uy tín với khách hàng. Đáng khích lệ hơn cả là sống giữa ngôi làng người người trồng quất, nhà nhà trồng quất, nhưng cả hai đã không ngừng tìm tòi, cải tiến chất lượng để tạo ra hướng đi riêng trên thị trường. Mặc dù còn trẻ nhưng hai ông chủ này quyết tâm gắn bó và nhân rộng mô hình trồng quất bonsai, với mong muốn sản phẩm này sẽ xuất hiện nhiều hơn trong các gia đình vào dịp Tết.