Đề phòng các căn bệnh viêm não

(ANTĐ) - Căn bệnh viêm não gia tăng mạnh trong thời gian vừa qua báo hiệu một mùa dịch còn diễn biến khá phức tạp. Báo An ninh Thủ đô giới thiệu cách phòng chống căn bệnh này.

Đề phòng các căn bệnh viêm não

(ANTĐ) - Căn bệnh viêm não gia tăng mạnh trong thời gian vừa qua báo hiệu một mùa dịch còn diễn biến khá phức tạp. Báo An ninh Thủ đô giới thiệu cách phòng chống căn bệnh này.

Bệnh viêm màng não

Viêm màng não mủ (VMN) là hiện tượng viêm của màng não biểu hiện bằng việc tăng bất thường số lượng bạch cầu trong dịch não tủy. Các dấu hiệu của VMN thường khởi phát cấp tính, khó chẩn đoán, hay để lại di chứng và tỷ lệ tử vong cao, nhất là trẻ em. VMN có thể do nhiều loại vi khuẩn gây nên, trong đó phổ biến là VMN do phế cầu khuẩn, VMN do trực khuẩn Hib và VMN do não mô cầu. Cả 3 loại này chiếm tới 80% các trường hợp mắc bệnh.

VMN do não mô cầu lây truyền qua đường hô hấp do hít phải giọt nước bọt của người bệnh hoặc người lành mang khuẩn; vi khuẩn thường đột nhập qua đường mũi họng, xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn máu hoặc qua đường máu đến màng não gây VMN mủ hoặc gây VMN mủ kèm theo nhiễm khuẩn huyết. Bệnh lây truyền mạnh trong thời kỳ khởi phát. Nếu được sử dụng kháng sinh, vi khuẩn sẽ biến mất khỏi đường họng trong vòng 24h.

Đây là một bệnh gây dịch nguy hiểm. Để phòng bệnh cần kết hợp nhiều biện pháp như phát hiện sớm, cách ly, uống kháng sinh dự phòng. Để chủ động dự phòng cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao hoặc chuẩn bị đi đến những vùng dịch, chúng ta có thể sử dụng vaccine. Thời gian bảo vệ của vacine là 3 năm.

Bệnh VMN do trực khuẩn Hib rất thường gặp ở nước ta. Vi khuẩn thường gây bệnh cho trẻ em dưới 18 tháng tuổi. Bệnh cảnh lâm sàng phổ biến là VMN mủ. Tỷ lệ tử vong của bệnh chiếm khoảng 5% và khoảng 15% trẻ mắc bệnh có thể qua khỏi, nhưng có di chứng như điếc và rối loạn tâm thần. Hib cũng có thể gây ra viêm nắp thanh quản, viêm tế bào, viêm khớp và viêm phổi. Để phòng bệnh, cần tiêm vacine như Act-HIB và Hiberic. Vaccine được tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi.

Các bậc cha mẹ luôn cần theo dõi sức khỏe của con mình để phát hiện bệnh kịp thời
Các bậc cha mẹ luôn cần theo dõi sức khỏe của con mình để phát hiện bệnh kịp thời

VMN do phế cầu thường do nhiễm khuẩn từ đường hô hấp trên, viêm tai giữa, viêm phổi. Đôi khi, vi khuẩn đột nhập vào dòng máu gây nhiễm khuẩn huyết hoặc gây VMN mủ. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, thanh niên và người trên 60 tuổi. Tỷ lệ tử vong do VMN do phế cầu ở Việt Nam khá cao, 10 – 30%. Khả năng mắc bệnh với phế cầu khuẩn rất cao, nhất là những người bị suy giảm miễn dịch, người bị suy chức năng thận, mắc bệnh tim phổi mãn tính, đái tháo đường, nghiện rượu, xơ gan, bị chấn thương sọ não hoặc mắc các bệnh ác tính. Để phòng bệnh cũng cần tiêm vaccine, với hiệu lực bảo vệ lên đến 90%, kéo dài khoảng 3 năm.

Viêm não Nhật Bản B

Viêm não Nhật Bản B (VNNB) là một bệnh nhiễm trùng thần kinh. Bệnh lây truyền từ súc vật sang người qua các loại côn trùng tiết túc. Trung gian truyền bệnh là loại muỗi Culex. ở miền Bắc, VNNB có đỉnh cao dịch trong các tháng 6, 7, 8, là những tháng có nhiệt độ cao nhất và mật độ muỗi nhiều nhất. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em, số trẻ mắc bệnh từ 1 đến 14 tuổi chiếm 90%. Thời gian ủ bệnh khoảng 5 – 15 ngày.

VNNB có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, điển hình là sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức (li bì, lú lẫn, hôn mê, mê sảng...); rối loạn vận động, tăng trương lực cơ, tay chân co cứng, cử động bất thường và có các cơn co giật. Bệnh để lại các di chứng như liệt vận động hoặc rối loạn tâm thần. ở những thể nhẹ, biểu hiện lâm sàng có khi chỉ sốt và đau đầu. VNNB có tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao (tỷ lệ tử vong do VNNB cấp là 19 – 20% và tâm thần 60 – 70%).

Phòng bệnh VNNB là rất quan trọng, cần nhất là diệt muỗi, bọ gậy, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm không cho muỗi cư trú, dùng hóa chất diệt muỗi. Phòng bệnh bằng tiêm phòng vacine đặc hiệu là biện pháp hiện nay mang lại hiệu quả cao nhất, đặc biệt đối tượng là trẻ em trong vùng có dịch lưu hành.

Anh Thư