Chờ đêm mới tăng giá xăng

ANTĐ - Đến tận gần 21h hôm qua (5-5), thông tin điều chỉnh giá xăng dầu mới được gửi đến các doanh nghiệp đầu mối và cơ quan báo chí, sau gần 2 ngày “trễ hẹn” so với công bố trước đó. Đáng chú ý là sau khoảng thời gian “lưỡng lự” trên, giá xăng đã tăng mạnh đến gần 2.000 đồng/lít.

Chờ đêm mới tăng giá xăng ảnh 1Giá xăng lại tăng kỷ lục

Kìm hãm lâu nên tăng giá mạnh

Nếu tính đúng theo chu kỳ điều hành giá 15 ngày/lần quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh từ ngày 28-4 vừa qua. Tuy nhiên, do đúng đợt nghỉ lễ nên tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào cuối tháng 4, đại diện Bộ Công thương cho biết, phương án điều hành giá xăng dầu sẽ được công bố vào ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, tức ngày 4-5. Song đến tận 20h30 ngày 5-5, quyết định tăng giá xăng mới được công bố và thời gian quyết định có hiệu lực kể từ 21h cùng ngày. 

Theo đó, giá xăng trong nước tăng thêm 1.950 đồng/lít xăng RON 92, sau khi tăng mức chi sử dụng quỹ bình ổn từ 991 đồng/lít từ kỳ điều hành ngày 13-4 lên 1.437 đồng/lít. Đối với xăng E92, mức điều chỉnh giá ngang bằng xăng RON 92 nhưng chi quỹ bình ổn từ 991 đồng lên 1.271 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng RON 92 từ 21h ngày 5-5 là 19.230 đồng/lít. Với mặt hàng dầu diesel và dầu madut, Bộ Công thương quyết định giữ nguyên giá bán, nhưng tăng mức trích quỹ lên lần lượt là 322 đồng/lít và 303 đồng/kg. Riêng với mặt hàng dầu hỏa, giá bán lẻ sẽ giảm 258 đồng/lít

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Ất Mùi đến nay, giá xăng dầu đã 4 lần được giữ ổn định, mặc dù giá thế giới tăng mạnh. Thay vào đó, quỹ bình ổn giá liên tiếp được sử dụng làm công cụ điều hành thay thế việc điều chỉnh giá xăng. 

Tuy nhiên, trong 2 tháng gần đây, giá xăng thế giới liên tục tăng, chấm dứt những ngày giảm liên tiếp của nửa cuối năm 2014. Giá xăng tại thị trường Singapore từ ngưỡng 56 USD/thùng lúc thấp nhất tăng lên mức hơn 80 USD/thùng. Tại phiên giao dịch ngày 4-5, giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore lên tới 80,89 USD/thùng, khiến giá cơ sở mặt hàng xăng dầu trong nước nới rộng khoảng cách với giá bán lẻ được duy trì từ ngày 13-4 tới nay. Cụ thể, với xăng RON 92, giá cơ sở cao hơn 3.387 đồng/lít, bằng khoảng 18% giá bán lẻ xăng. Xăng E5 cao hơn 3.222 đồng/lít. Sau khi trừ đi phần trích quỹ bình ổn 991 đồng/lít, doanh nghiệp vẫn lỗ hơn 2.000 đồng/lít xăng. Tương tự, dầu diezel 0,05S cao hơn 322 đồng/lít; dầu madut 3,5S cao hơn 303 đồng/kg. Duy nhất có dầu hỏa, doanh nghiệp được lãi nhẹ 258 đồng/lít. 

Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhiều lần nhấn mạnh: “Quỹ bình ổn xăng dầu như “van giảm sốc” khi giá xăng thế giới tăng”. Tuy nhiên, việc lạm dụng quỹ bình ổn giá đã bộc lộ hạn chế bởi giá xăng đã tăng mạnh sau thời gian dài kìm hãm. Một chuyên gia kinh tế cho biết: “Kìm hãm quá lâu, giá xăng sẽ tăng mạnh, khiến người dân sốc. Quỹ bình ổn giá đã làm việc điều hành đi ngược lại nguyên tắc thị trường”.

Trong khi đó, theo phản ánh của doanh nghiệp xăng dầu thì nguồn quỹ này ngày càng “teo tóp” do việc xả quỹ được thực hiện liên tục, trong thời gian dài và mức chi sử dụng luôn lớn hơn mức trích lập. 

Chậm điều hành do thời điểm “nhạy cảm”?

Theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, nếu biến động giá thế giới trên 7%,  việc điều hành giá xăng do Thủ tướng quyết định. Với mức chênh lệch lên tới 18% này, đương nhiên phương án điều hành giá liên Bộ Công thương - Tài chính phải trình lên Thủ tướng.

Tuy nhiên, có một lý do quan trọng khác khiến thời điểm điều hành giá xăng bị lùi lại là do từ  1-5 vừa qua, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu được tăng đến 300%. Bộ Tài chính sẽ rất “khó ăn khó nói” nếu quyết định tăng giá xăng ở kỳ điều hành đầu tiên sau khi tăng thuế này, vì đầu tháng 3 năm nay, khi trình Quốc hội về phương án tăng thuế bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã một mực khẳng định: “Việc tăng thuế bảo vệ môi trường không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước”! Tính toán của Bộ Tài chính khi đó mới chỉ dừng lại ở phương án giá xăng dầu thế giới giảm, thay vì tăng liên tục như thời gian gần đây. Thế nên mặc dù doanh nghiệp lỗ nặng, đứng ngồi không yên, thời gian điều hành giá vẫn bị kéo dài. 

Với 70% lượng xăng dầu tiêu dùng trong nước phải nhập khẩu, giá xăng dầu đương nhiên chịu tác động lớn từ biến động lớn của giá thế giới. Khi giá thế giới tăng mạnh như trên, giá xăng trong nước tăng theo là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng giá xăng lần này có “đóng góp” của việc tăng thuế bảo vệ môi trường.