Thứ xa xỉ trong quan hệ Mỹ-Trung

ANTĐ - Dù có những lợi ích chiến lược trong hợp tác về các vấn đề toàn cầu song “lòng tin chiến lược” - nền móng quan trọng bậc nhất cho sự hợp tác này - vẫn là một thứ gì đó quá xa xỉ trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc hiện nay.

Cuộc Đối thoại chiến lược Mỹ-Trung năm 2015 bắt đầu ngày 23-6 tại Thủ đô Washington của Mỹ với 3 phần chính: Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung (S&ED) lần thứ 7, Tham vấn về giao lưu nhân dân-nhân dân (CPE) lần thứ 6 và Đối thoại an ninh chiến lược (SDD) lần thứ 5. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew cùng với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương đồng chủ trì cuộc Đối thoại S&ED, trong khi Ngoại trưởng Kerry và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông đồng chủ trì cuộc Tham vấn CPE. 

Cuộc Đối thoại S&ED lần thứ 7 tập trung thảo luận về các thách thức và cơ hội về chiến lược và kinh tế mà hai nước đang phải đối mặt, trước mắt và lâu dài, trong quan hệ song phương cũng như khu vực và toàn cầu. Còn cuộc Tham vấn CPE lần thứ 6 dành nhiều thời gian thảo luận về các biện pháp thúc đẩy mối quan hệ và giao lưu giữa nhân dân Mỹ-Trung trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật, thể thao, phụ nữ, y tế…

Thứ xa xỉ trong quan hệ Mỹ-Trung ảnh 1

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) thừa nhận bất đồng trong quan hệ Mỹ - Trung khi phát biểu khai mạc Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung

Cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Trung thường niên đã được duy trì từ nhiều năm nay nhằm xử lý các bất đồng, va chạm nảy sinh… cũng như phòng ngừa xung đột giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này bởi cả hai cùng có những lợi ích rất quan trọng trong việc hợp tác giải quyết các vấn đề chung trên toàn cầu. Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện, còn thực tế lại cho thấy các cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Trung luôn sa vào các cuộc tranh cãi, thậm chí khẩu chiến nảy lửa bởi các vấn đề ảnh hưởng tới lợi ích cốt lõi của hai bên.

Những năm trước đây, đối thoại chiến lược Mỹ-Trung từng bị hết “đám mây đen” chính sách đồng nhân dân tệ yếu đến vấn đề tin tặc… bao phủ. Gần đây, việc Trung Quốc ỷ vào sức mạnh quân sự trỗi dậy có những hành động hung hăng, gây hấn để đòi hỏi chủ quyền ở Biển Hoa Đông và đặc biệt là ở Biển Đông đã trở thành một vấn đề nóng bỏng và gai góc bậc nhất trong quan hệ Mỹ-Trung cũng như các cuộc đối thoại chiến lược.

Trước thềm Đối thoại chiến lược Mỹ-Trung năm nay, Mỹ công khai chỉ trích mạnh mẽ rằng Trung Quốc đã khiến cả thế giới quan ngại khi ồ ạt bồi lấp trái phép các bãi đá ngầm và rặng san hô ở Biển Đông thành các đảo nổi nhân tạo. Mỹ  tuyên bố việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông có thể châm ngòi tranh chấp lãnh thổ phức tạp với các nước láng giềng, đe dọa hòa bình, ổn định và tự do hàng hải.

Bởi thế, dù nhấn mạnh tới lợi ích hợp tác và “lòng tin chiến lược” để xây đắp mối hợp tác này, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khi phát biểu khai mạc Đối thoại chiến lược Mỹ-Trung năm nay cũng đã thừa nhận có bất đồng trong nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, ông Biden không ngần ngại cảnh báo thẳng với Trung Quốc rằng phải có trách nhiệm tuân thủ luật lệ quốc tế, hợp tác để giữ cho các tuyến đường biển quốc tế luôn an toàn, còn từ bỏ biện pháp ngoại giao để quay sang sử dụng vũ lực hoặc hăm dọa để giải quyết các tranh chấp sẽ chỉ gây ra  bất ổn.

Rõ ràng, “lòng tin chiến lược” là thứ quá xa xỉ với mối quan hệ giữa một cường quốc cho mình là “siêu cường số một” và một cường quốc đang trỗi dậy, đe dọa vị thế này.