Tham vọng phi lý của Trung Quốc

ANTĐ -Chiến lược quân sự lần đầu tiên được công bố trong Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc đang khiến không chỉ các quốc gia trong khu vực mà dư luận quốc tế đều lo ngại việc Trung Quốc tham vọng độc chiếm Biển Đông làm bàn đạp vươn ra toàn cầu.
Tham vọng phi lý của Trung Quốc  ảnh 1

Hình ảnh chụp từ vệ tinh vào tháng 4-2015 cho thấy rõ Trung Quốc đã biến bãi đá ngầm Chữ Thập thành hòn đảo nổi rộng gần 1km2

Trung Quốc ngày 26-5 đã công bố Sách trắng quốc phòng nhằm thực hiện điều mà nước này tuyên bố là minh bạch hóa chính sách quân sự của mình. Tuy đây đã là lần thứ 9 công bố Sách trắng quốc phòng kể từ năm 1998 với định kỳ 2 năm/lần, song đây là đầu tiên Trung Quốc công bố chiến lược quân sự trong Sách trắng quốc phòng mang tên “Chiến lược Quân sự Trung Quốc”.

Với tổng cộng khoảng 9.000 từ, Sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2015 chủ yếu đề cập đến việc xây dựng lực lượng quân sự, nhấn mạnh phương châm phòng thủ tích cực và tăng cường hợp tác an ninh quân sự quốc tế… của cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ này. Cũng theo Sách trắng này, quân đội Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác an ninh quốc tế trong 4 lĩnh vực liên quan mật thiết tới lợi ích của nước này là an ninh trên biển, không gian vũ trụ, không gian mạng và năng lực hạt nhân. 

Tuy nhiên, một trong những điểm đáng chú ý nhất trong chiến lược quân sự lần đầu tiên công bố trong Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc là hải quân nước này sẽ chuyển dần trọng tâm từ chiến lược đơn nhất “bảo vệ vùng biển gần bờ” sang kết hợp chiến lược này với việc “bảo vệ vùng biển ngoài khơi”. Nói cách khác đây là bước chuyển của Trung Quốc từ cường quốc khu vực thành cường quốc toàn cầu.

Bàn đạp cho chiến lược vươn mình từ cường quốc khu vực thành cường quốc toàn cầu của Trung Quốc chính là Biển Đông, nơi mà họ đã đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn phi lý để đòi hỏi độc chiếm tới 80% diện tích vùng biển chiến lược này. Có hiện thực hóa tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà”, Trung Quốc mới đủ lực, đủ “tầm” để có thể “xưng hùng” trên các đại dương khắp toàn cầu.

Đó cũng chính là căn nguyên sâu xa khiến Trung Quốc đã đổ hàng chục tỷ USD suốt hơn 1 năm qua để cải tạo các bãi đá, rặng san hô chìm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép thành các đảo nổi. Những bãi đá nổi này đang được Trung Quốc ráo riết xây dựng thành các căn cứ quân sự có cả đường băng như trên bãi đá Chữ Thập thuộc chủ quyền của Việt Nam nhằm phong tỏa, khống chế cả Biển Đông, nơi không chỉ các nước khu vực mà các cường quốc thế giới khác như Mỹ, Nhật Bản… đều có lợi ích chiến lược cốt lõi.

Tham vọng và toan tính chiến lược của Trung Quốc đang khiến các nước khu vực cũng như nhiều cường quốc thế giới lo ngại sâu sắc. Nhiều nước quanh Biển Đông cũng như Mỹ, Nhật Bản, Australia… đã công khai phản đối và tuyên bố không chấp nhận việc Trung Quốc cải tạo các bãi đá, rặng san hô ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhằm tạo ra sự thay đổi hiện trạng hết sức nguy hiểm tại Biển Đông.

Sau lần đầu tiên đưa tàu chiến hiện đại tuần tra trên Biển Đông, cử máy bay do thám bay trên bầu trời các bãi ngầm mà Trung Quốc đang ráo riết cải tạo, Mỹ đang tính tới việc điều máy bay quân sự và tàu chiến vào khu vực 12 hải lý quanh các bãi đá Trung Quốc cải tạo, để không chỉ nhằm khẳng định tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông mà còn là sự cảnh báo, bác bỏ tham vọng phi lý của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược này.