Đòn phản công ngoạn mục

Tổng thống Nga V. Putin đề nghị sẵn sàng chia sẻ việc sử dụng căn cứ quân sự ở Azerbaijan để Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu.

Đòn phản công ngoạn mục

Tổng thống Nga V. Putin đề nghị sẵn sàng chia sẻ việc sử dụng căn cứ quân sự ở Azerbaijan để Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu.

Đòn phản công bất ngờ của nước Nga đang làm cả châu Âu và Mỹ choáng váng.

Tổng thống V.Putin và W.Bush trước cuộc gặp bên lề Hội nghị G8
Tổng thống V.Putin và W.Bush trước cuộc gặp bên lề Hội nghị G8

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ W. Bush bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-8 tại Đức, Tổng thống Nga V. Putin đã bất ngờ đề nghị Mỹ phối hợp với Nga sử dụng trạm radar thời Xôviết ở Azerbaijan mà Nga hiện đang thuê với giá 7 triệu USD/năm để triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) mà Mỹ muốn thiết lập cho châu Âu.

Đã vài tháng nay, chủ đề hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của Mỹ chẳng khác nào như mồi lửa đốt nóng quan hệ Nga - Mỹ. Theo viễn cảnh mà Washington vẽ ra, hệ thống này trước mắt sẽ gồm 10 tên lửa đánh chặn đặt ở Ba Lan và một trạm radar cảnh giới đặt tại Séc. Mỹ giải thích rằng mục tiêu thiết lập hệ thống này là nhằm đảm bảo an ninh của châu Âu trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran và CHDCND Triều Tiên.

Thế nhưng nước Nga thừa hiểu rằng đây là toan tính giành ưu thế chiến lược về hạt nhân của Mỹ. Điều gì sẽ xảy ra khi hệ thống phòng thủ tên lửa này cứ lớn dần lên, đến mức đủ sức để vô hiệu hóa tiềm năng hạt nhân của Nga. Chính vì thế mà phản ứng của Nga rất quyết liệt. Matxcơva hết cảnh báo sẽ trả đũa nếu Mỹ cứ tiếp tục theo đuổi kế hoạch này, lại tung ra hành động răn đe khi bắn thử loại tên lửa đạn đạo RS-24 có khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân và tránh được bất kỳ hệ thống phòng thủ nào của Mỹ.

Có điều trước cuộc gặp Nga-Mỹ bên lề Hội nghị thưởng đỉnh G-8 tại Đức, người ta chỉ thấy những lời cảnh báo của Nga chứ không hề biết đến bất cứ thông tin nào liên quan đến căn cứ quân sự của Nga ở Azerbaijan. Tổng thống V. Putin đã giữ kín đề nghị của mình đến phút cuối bởi đây là liều thuốc thử đầy khôn khéo của nước Nga.

Xét từ góc độ kỹ thuật, hệ thống tên lửa đánh chặn của Mỹ nếu đặt ở Azerbaijan sẽ có hiệu quả hơn hẳn so với đặt ở Ba Lan và Séc. Vì Azerbaijan nằm ngay gần Iran nên hệ thống đặt ở đó đủ sức bao trùm toàn bộ châu Âu chứ không phải chỉ một phần châu Âu. Thêm vào đó, những mảnh vụn tên lửa bị phá hủy sẽ rơi xuống biển chứ không phải trên đất liền. Không những thế, giải pháp của Nga còn giúp hóa giải mâu thuẫn căng thẳng hiện nay giữa Nga và Mỹ.

Tổng thống Mỹ và các nguyên thủ châu Âu bất ngờ trước đề nghị của Nga
Tổng thống Mỹ và các nguyên thủ châu Âu bất ngờ trước đề nghị của Nga

Cái lợi về mặt quân sự cũng như ngoại giao có thể thấy rõ. ấy thế nhưng chẳng thấy ông W. Bush mặn mà bởi ông thừa hiểu rằng đó là cú phản công ngoạn mục của nước Nga trước tham vọng của Mỹ. Một khi chấp nhận đề nghị của Matxcơva thì Washington làm sao thực hiện được toan tính lợi dụng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu để vô hiệu hóa tiềm năng hạt nhân của Nga. Tên lửa của Nga vẫn kiểm soát hoàn toàn châu Âu, đảm bảo cho nước Nga thế cân bằng chiến lược vốn tồn tại từ thời “chiến tranh lạnh” đến nay. Còn như nếu bác bỏ đề nghị của Nga thì điều đó đồng nghĩa với việc tự mình vạch rõ cho thiên hạ thấy bụng dạ đầy toan tính của mình.

Bao nhiêu bước đi chiến thuật nhằm che đậy mục đích cuối cùng chẳng đem lại hiệu quả gì trước đòn phản công đầy tinh khôn của Tổng thống V. Putin. Đã thế, Azerbaijan cũng phải ứng rất nhanh trước đề nghị của ông V. Putin. Ngày 7-6, Azerbaijan cho biết sẵn sàng chuyển đổi hiệp định song phương Azerbaijan - Nga thành hiệp định ba bên có sự tham gia của Mỹ.

Không biết phía Mỹ sẽ trả lời Nga thế nào về sáng kiến này còn hiện tại, các nhà bình luận mô tả rằng, đề nghị mới của Tổng thống V. Putin đã tạo cho Nga một thế chủ động quan trọng và “trạm radar ở Azerbaijan nay trở thành một cơ sở kiểm tra sự chân thành của Washington”.

Hoàng Sơn