Chặn mạch ngầm trốn thuế

ANTĐ - Đánh giá kết quả một năm giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), Nga cho rằng thành tích lớn nhất là lần đầu tiên trong lịch sử đã liên kết thành công các “nền kinh tế đầu tàu” thảo luận thẳng thắn vấn đề chống trốn thuế.

Hội nghị thượng đỉnh của EU bàn về chống trốn thuế

Các con số thống kê cho thấy mỗi năm kinh tế toàn cầu mất tới 3.000 tỷ USD vì nạn trốn thuế. Riêng với Liên minh châu Âu, con số thất thoát khoảng 1.000 tỷ Euro (1.300 tỷ USD) mỗi năm do trốn thuế đã biến khu vực này thành “thiên đường trốn thuế” của thế giới. Thực trạng này nghiêm trọng đến mức EU phải đặt nhiệm vụ ngăn chặn trốn thuế như mục tiêu ưu tiên trong bối cảnh hiện nay. Trên phạm vi toàn cầu, các dòng tiền bẩn, các hoạt động rửa tiền có thể làm suy yếu nền tài chính các quốc gia đang phát triển. 

Có những lý do khách quan dẫn đến hành vi trốn thuế. Chẳng hạn, trong khi thuế thu nhập cá nhân ở Thụy Điển, Đan Mạch, Bỉ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan luôn trên 50%, thì ở Bulgaria chỉ có 10%. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi ở Pháp, Malta, Bỉ đều trên 30%, thì ở Bulgaria, Cyprus lại rất thấp, chỉ có 10%. Điều này kích thích các công ty tìm cách trốn thuế. Ngay những tập đoàn kinh tế lớn như Amazon, Google, Starbucks, Apple… cũng bị cáo buộc gian lận thuế.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trốn thuế là những kẽ hở về pháp luật. Mới đây, Liên hiệp Phóng viên điều tra (ICIJ) đã công bố một báo cáo điều tra về gian lận tài chính và phanh phui các “thiên đường trốn thuế” trên toàn cầu, phơi bày bí mật của hơn 120.000 công ty có chi nhánh ở nước ngoài và quỹ đầu tư, cũng như các vụ gian lận tài chính của gần 130.000 cá nhân tại hơn 170 quốc gia.

Theo báo cáo của ICIJ, các ngân hàng hàng đầu thế giới như Clariden, UBS (Thụy Sỹ) và Deutsche Bank (Đức) đã cho phép khách hàng thành lập các công ty bí mật tại nhiều quốc gia. Ngoài ra, các cá nhân bị ICIJ phanh phui “có liên quan đến các hoạt động kinh doanh không khai báo thuế” bị phát hiện đặt trụ sở kinh doanh ở khắp mọi nơi: quần đảo Cook (New Zealand), quần đảo Virgin (Anh), Singapore, Azebaijan, Nga, Canada, Pakistan, Philippines, Thái Lan, Mông Cổ…

Chặn những mạch ngầm trốn thuế đã trở thành vấn đề có tính toàn cầu. Các nước đều thống nhất nhận thức rằng, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng, thịnh vượng và phát triển, thế giới phải kiên quyết với nạn trốn thuế. Chính vì thế mà trong 3 nội dung chủ yếu của chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh G-8 năm 2013, có tới 2 nội dung liên quan tới vấn đề này là tuân thủ các quy định về thuế và đảm bảo tính minh bạch, công khai. Các nước cần có kênh chia sẻ thông tin về giao dịch tài chính như: cung cấp thông tin người gửi cho cơ quan thuế vụ của các nước; trao đổi dữ liệu giữa các ngân hàng về các tài khoản tiết kiệm cá nhân cũng như tạo ra hệ thống tự động trao đổi dữ liệu về thuế… Chỉ có vậy thì nạn trốn thuế mới có thể được ngăn chặn.