Cảnh báo từ nước Nga

(ANTĐ) - Vụ bắn thử tên lửa xuyên lục địa ngày 29-5 của nước Nga đang gây sự chú ý sâu sắc trên thế giới.

Cảnh báo từ nước Nga

(ANTĐ) - Vụ bắn thử tên lửa xuyên lục địa ngày 29-5 của nước Nga đang gây sự chú ý sâu sắc trên thế giới.

Trong bối cảnh Matxcơva đang phản ứng quyết liệt việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở Đông Âu, việc nước Nga thử nghiệm thành công loại vũ khí rất hiện đại này được xem như một lời cảnh báo đối với những toan tính muốn giành ưu thế quân sự.

Vị trí nơi thử tên lửa
Vị trí nơi thử tên lửa

Rất dễ hiểu vì sao mà Matxcơva lại tỏ ra hài lòng đến vậy trước thành công của việc bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ngày 29-5. Với việc thử nghiệm thành công tên lửa mà phía Nga gọi là RS-24 này, nước Nga sẽ có thể một thứ vũ khí răn đe đáng nể trong kho vũ khí hạt nhân vốn đã rất hùng hậu của mình.

Một quả tên lửa RS-24 có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân, hướng tới 10 mục tiêu khác nhau nên có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện đại nhất lúc này. Mô tả về thành công của vụ thử tên lửa ICBM mới nhất, Người phát ngôn của Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga Vadim Koval cho biết, quả tên lửa RS-24 được bắn đi từ một bệ phóng di động đặt sân bay vũ trụ Plesetsk, cách Thủ đô Matxcơva khoảng 800 km về phía Bắc, đã bắn trúng các mục tiêu khác nhau tại bãi thử Kura trên bán đảo Kamchatka thuộc miền Viễn Đông Nga cách đó tới 5.500 km.

Cũng theo Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, loại tên lửa RS-24 sẽ thay thế hai loại tên lửa ICBM cũ là RS-18 và RS-20 (phương Tây gọi là SS-19 Stiletto và SS-18 Satan).

M-Bạch Dương - loại tên lửa chủ lực trong hệ thống tên lửa hạt nhân trên bộ của Nga đến năm 2015
M-Bạch Dương -  loại tên lửa chủ lực trong hệ thống tên lửa hạt nhân trên bộ của Nga đến năm 2015

Đáng chú ý là vụ thử loại tên lửa hiện đại nhất của nước Nga diễn ra trong khi Matxcơva và Washington đang rất găng nhau quanh kế hoạch của Mỹ muốn triển khai một phần của hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở Đông Âu. Cho dù Washington có thanh minh và giải thích thế nào cũng không thể làm Matxcơva có thể tin được rằng một hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện đại tốn kém tới hàng tỷ USD đặt sát nách nước Nga lại chỉ dùng để chống lại mối đe doạ đến từ... Iran và CHDCND Triều Tiên.

Nước Nga đã tuyên bố thẳng rằng hệ thống chống tên lửa mà Mỹ đang ráo riết xây dựng tại Séc và Ba Lan là nhằm vào nước Nga. Đó là điều mà Matxcơva không bao giờ chấp nhận và tuyên bố sẽ có hành động đáp trả xứng đáng.

Mới đây nhất, ngày 29-5, trong buổi tiếp Thủ tướng Jose Socrates của Bồ Đào Nha - nước sẽ giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1-7 tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã một lần nữa cảnh báo rằng việc Mỹ muốn đặt một hệ thống chống tên lửa ở sát nách nước Nga đã “biến châu Âu thành một thùng thuốc súng”.

Trước đó, hồi cuối tháng 4-2007, Tổng thống Nga Putin cũng cho rằng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ triển khai ở Đông Âu sẽ làm gia tăng gấp bội nguy cơ “hủy diệt lẫn nhau”. Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, Tướng Nikolai Solovtsov, tuyên bố thẳng Nga sẽ “đáp trả thích đáng”.

Phớt lờ những tuyên bố dù là cứng rắn nhất từ Matxcơva, Mỹ vẫn ráo riết tiến hành các bước để nhanh chóng triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Đông Âu gồm hai thành phần chính yếu là những radar tên lửa đánh chặn hiện đại. Những người muốn thiết lập một hệ thống chống tên lửa sát nách nước Nga cho rằng sẽ chiếm được ưu thế đáng kể về quân sự một khi hệ thống này đi vào hoạt động.

Thế nhưng, thực tế xem ra không dễ dàng như trù tính. Ngay sau khi bắn thử thành công tên lửa RS-24, lực lượng tên lửa chiến lược của Nga ra tuyên bố cho biết loại tên lửa này sẽ tăng cường khả năng quân sự của lực lượng tên lửa chiến lược Nga bởi có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

Ngày 29-5, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Sergei Ivanov tuyên bố: “Kể từ hôm nay, Nga có khả năng đối phó với bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại và trong tương lai nào. Vì vậy về mặt phòng thủ và an ninh, người dân có thể yên tâm nhìn về tương lai đất nước”.

Không ngăn chặn được kế hoạch của Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở Đông Âu nhưng vụ bắn thử thành công tên lửa RS-24 đã phát đi cảnh báo mạnh đối với bất cứ toan tính nào giành ưu thế quân sự ở châu Âu.

Hoàng Hà