Các tổ chức khủng bố, phản động thường “ẩn mình” trong thế giới mạng

ANTĐ -Đây là thông tin được một số nghị sĩ thế giới đưa ra cảnh báo tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng IPU 132 sáng 1-4, về chủ để “Dân chủ trong kỷ nguyên công nghệ số và sự đe dọa quyền riêng tư và các quyền tự do cá nhân cơ bản”.

Các đại biểu đều nhấn mạnh, công nghệ số hiện đang có sự phát triển mạnh mẽ, làm cho xã hội được minh bạch hơn song điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, mối nguy hiểm cho bất cứ cá nhân và tổ chức nào.

Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam dự phiên thảo luận của IPU về chiến tranh mạng

Đại diện Việt Nam, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ, hiện Việt Nam có khoảng 33 triệu người sử sụng Internet, hàng chục báo điện tử và hàng trăm trang mạng cùng với hàng triệu người sử dụng các mạng xã hội. Khẳng định phát triển công nghệ số là khách quan, Quốc hội Việt Nam đã tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về công nghệ số, cũng như bảo vệ quyền dân chủ, riêng tư cá nhân.

Trong khi đó, đại biểu nhiều nước nhấn mạnh đến khía cạnh những thông tin tự do, trôi nổi trên mạng không có sự kiểm soát được truyền bá rất nhanh, tác động trực tiếp tới xã hội, gây nhiễu loạn thông tin và tác động xấu đến vấn đề ra quyết sách của Chính phủ. Thế giới đã từng có nhiều vụ bê bối từ việc lợi dụng thông tin cá nhân, đây là bài học cho bất cứ Chính phủ và cá nhân nào.

Đại diện Ấn Độ thừa nhận, thông tin không được kiểm soát ảnh hưởng đến quyền riêng tư cá nhân, tác động đến vấn đề nhân quyền. Người dân sẽ không thoải mái tham gia mạng xã hội khi thông tin cá nhân bị xâm phạm và bất kỳ ai cũng có thể biết thông tin riêng tư của họ. Điều này rất nguy hiểm, nhất là với phụ nữ và trẻ em.

Đại diện tới từ Bỉ cho biết, các tổ chức khủng bố, tình báo, phản động thường “ẩn mình” trong thế giới ảo và họ có thể có trong tay mọi thông tin của cá nhân, tổ chức mà họ nhắm vào. Điều này không những vi phạm quyền tự do cá nhân, dân chủ, nhân quyền mà còn gây nguy hiểm cho xã hội.

Trên cơ sở đó, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, cần xây dựng cơ chế luật pháp xử lý việc lợi dụng công nghệ thông tin để xâm phạm dân chủ, nhân quyền.