Nhật - Australia hợp tác chế tạo tàu ngầm đối phó Trung Quốc

ANTĐ - Kế hoạch hợp tác này sẽ giúp Nhật đạt được 3 mục đích rất lớn. Một là, giảm bớt chi phí đầu tư cơ bản; hai là tăng cường mối quan hệ hữu nghị với Australia, nước mà Nhật đã xác định sẽ xây dựng quan hệ đối tác chiến lược về quốc phòng, và ba là tăng cường khả năng tác chiến ngầm để làm đối trọng với Trung Quốc.

Hiện nay, Chính phủ Nhật đã giao cho Bộ quốc phòng toàn quyền quyết định xem liệu có nên mời hải quân Hoàng gia Australia tham gia với tư cách một nhà đầu tư vào dự án phát triển công nghệ tàu ngầm cho hải quân Nhật Bản hay không.

Lời đề nghị chính thức được tham gia vào dự án này bắt đầu từ chuyến thăm của một vị quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Australia đến căn cứ của lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản ở Hiroshima. Vị quan chức này đã được phép tiếp cận với tàu ngầm thông thường hiện đại nhất lớp “Soryu” được chế tạo trên cơ sở tàu ngầm lớp “Oyashio” của Nhật.

Loại tàu ngầm này có lượng giãn nước 2900 tấn (khi lặn 4000 tấn), sử dụng công nghệ động lực không cần không khí, giúp cho tàu có khả năng tác chiến ngầm rất lâu mà không cần nổi lên lấy dưỡng khí. Hiện nay, ngoài Mỹ ra chỉ có vài nước như: Nhật, Đức, Pháp và Thụy Điển mới làm chủ được công nghệ này. “Sách trắng quốc phòng Australia” năm 2009 đã chỉ rõ, Canberra muốn mua 12 tàu ngầm để thay thế 6 tàu ngầm cũ hiện đang sử dụng sắp hết thời hạn phục vụ. Quá ấn tượng với những tính năng nổi bật của nó, Bộ Quốc phòng Australia đã đưa ra lời đề nghị tham gia dự án này vào tháng 5/2012.

Tàu ngầm thông thường hiện đại nhất lớp “Soryu”
được chế tạo trên cơ sở tàu ngầm lớp “Oyashio”

Năm 2011, việc Nhật Bản nới lỏng 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí đã làm cho khả năng hợp tác với Australia trong dự án này trở thành thực tế. Từ trước đến nay, Nhật mới chỉ chia sẻ những bí mật công nghệ này với “người anh cả” là Mỹ và sắp tới có thể là Australia. Điều này chứng tỏ Nhật đang nỗ lực thực hiện tuyên bố của Thủ tướng Shinzo Abe đầu tháng 1 vừa qua về vấn đề xây dựng qua hệ đồng minh thân thiết với Australia và tăng cường hợp tác an ninh trục Nhật - Mỹ - Australia.

Được biết, các công nghệ có liên quan đến dự án này được bảo mật rất cao, nhưng có lẽ nó sẽ sớm được thông qua vì nếu đồng ý cho Australia tham gia vào dự án này, Nhật sẽ đạt được 3 mục đích rất lớn. Một là, giảm bớt chi phí đầu tư cơ bản; hai là tăng cường mối quan hệ hữu nghị với Australia, nước mà Nhật đã xác định sẽ xây dựng quan hệ đối tác chiến lược về quốc phòng; ba là tăng cường lực lượng và khả năng tác chiến tàu ngầm để đối phó với Trung Quốc.