Học giả Nhật cảnh báo chính sách của Mỹ với Trung Quốc

ANTĐ - Tạp chí “Học giả ngoại giao” Nhật Bản số ra tháng 2/2013 đã có bài viết chỉ trích những khiếm khuyết tồn tại trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ và cảnh báo, sự mâu thuẫn đó sau này sẽ mang tới cho họ nhiều hệ lụy.

Với tiêu đề: “Chiến lược chuyển hướng sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ tồn tại khiếm khuyết lớn”, Tạp chí “Học giả ngoại giao” của Nhật Bản đã chỉ ra 2 mâu thuẫn trong chính sách đối phó của Mỹ đối với Trung Quốc và cảnh báo những mâu thuẫn này sẽ đem tới nhiều hệ lụy cho Mỹ.

Thứ nhất: Hoa Kỳ đã không làm rõ vấn đề mình muốn giành được cái gì từ Trung Quốc.

Washington kiên trì xúc tiến hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, thậm chí còn có đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nhưng đồng thời Mỹ cũng xây dựng quan hệ đồng minh thân thiết với một số nước xung quanh Trung Quốc, điều này dù ít hay nhiều cũng thể hiện rõ ý đồ nhằm vào Đại Lục. Thế nhưng khi bị chất vấn về vấn đề ngăn chặn Trung Quốc, các quan chức Mỹ lại có những câu trả lời hết sức buồn cười. Ví dụ như, năm ngoái Bộ trưởng quốc phòng Mỹ tuyên bố quay trở lại châu Á không phải là để “kiềm chế Trung Quốc” mà là vì mục đích “cứu trợ nhân đạo, đối phó với vũ khí sát thương hàng loạt, chống buôn lậu ma túy và cướp biển…”. Nếu như Trung Quốc cũng lấy lí do đó để triển khai 60% Quân giải phóng sang Tây bán cầu thì Mỹ có chấp nhận được không? Cứu trợ nhân đạo, chống khủng bố và buôn lậu ma túy đâu cần Mỹ phải huy động tới hơn một nửa lực lượng hải quân? Ngay cả cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ Richard Armitage cũng cho rằng điều này là “hơi khó hiểu”.

Mỹ vừa hợp tác kinh tế với Trung Quốc vừa tăng cường lực lượng hải quân đến biển Đông

Căn bản của vấn đề nằm ở chỗ, xúc tiến thương mại và ngăn chặn quân sự là 2 vấn đề có tính mâu thuẫn. Nếu như Hoa Kỳ lo lắng về vấn đề Trung Quốc đòi hỏi tiếng nói có trọng lượng hơn trong bảo đảm an ninh ở khu vực này thì việc Mỹ mở rộng hợp tác kinh tế, làm cho Trung Quốc ngày càng mạnh lên nghe không được hợp lý lắm. Còn nếu Washington tăng cường giao dịch thương mại song phương để mưu cầu giảm bớt sự chênh lệch về thực lực giữa hai nước thì tại sao lại phải kiềm chế Trung Quốc, đặc biệt khi xem xét đến vấn đề tăng cường mậu dịch ắt sẽ làm tăng cái giá của sự kiềm chế?

Theo các tuyên bố công khai, Hoa Kỳ hoan nghênh một Trung Quốc có tinh thần trách nhiệm và tính xây dựng, nhưng thế nào là “tinh thần trách nhiệm” và “tính xây dựng”? Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ biển Đông có phải là “tinh thần trách nhiệm” không?, việc họ âm mưu dùng vũ lực để thu hồi Đài Loan sao không thấy giống với “tính xây dựng”? Nói cách khác, phải chăng Hoa Kỳ muốn áp đặt các tiêu chuẩn của bản thân mình trong thảo luận và đánh giá Trung Quốc? Vậy thì cuộc chiến ở Iraq là đại diện cho tính gì? Hiện Mỹ đang liên kết đồng minh “trên tinh thần xây dựng”, thế thì Trung Quốc có thể kết minh với Cuba, Venezuela được không? Vì vậy, có thể khẳng định, đang tồn tại sự mâu thuẫn về tiêu chuẩn và rối loạn về tư duy trong chuyển hướng chiến lược của Mỹ.

Vấn đề thứ 2 là: Hoa Kỳ đã không làm đúng với vai trò của một trọng tài giữa các bên, đặc biệt là trong vấn đề bảo đảm không có nước nào trở thành bá chủ trong khu vực, kiên quyết ngăn chặn Trung Quốc nổi lên trở thành đối trọng với Mỹ.

Ở một mức độ nào đó, điều này vô hình trung đã trở thành một mũi tên bắn trúng tim đồng minh của mình. Giáo sư J. Victor của đại học Georgetown nhận xét, Hoa Kỳ đang xây dựng nhiều mối quan hệ đồng minh song phương phi đối xứng, dẫn đến chỉ có khả năng kiểm soát được hành vi của các đồng minh nhỏ giống như Nhật mà không kiềm chế được các “ông bạn cứng đầu”.

Trong khi Nhật rút vốn khỏi Trung Quốc thì Mỹ lại tăng cường hợp tác kinh tế

Bất luận là chính sách này đã có hiệu quả cao như thế nào trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nhưng hiện nay nó thực sự đã lỗi thời. Nói cho đúng là sự lớn mạnh của Trung Quốc có liên quan rất lớn đến nhiều nước châu Á, ví dụ như quan điểm của Tokyo về Bắc Kinh không khác biệt mấy so với Washington nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến lợi ích cốt lõi của Nhật Bản. Điều này Mỹ cần coi trọng một cách đúng mức.

Đến một thời điểm nhất định, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ sẽ phải xem xét lại những mâu thuẫn cơ bản trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của họ. Đợi đến lúc Trung Quốc thu hẹp tối thiểu cách biệt giữa hai nước, lúc đó Mỹ sẽ rất khó để kiềm chế hành vi của Trung Quốc. Nếu như các quốc gia ở khu vực này nhầm tưởng tình thế 60 năm sau cũng được như 60 năm qua, thế giới sẽ gặp rất nhiều rắc rối.