Vì sao Ấn Độ mua bằng được Rafale của Pháp?

ANTĐ - Chiến đấu cơ đa nhiệm Dassault Rafale mà Ấn Độ mới mua từ Pháp cách đây không lâu đã là một vũ khí chủ lực của không quân và hải quân Pháp trong một thập niên qua. Tuy nhiên nó chỉ thực sự thu hút các khách hàng quốc tế khi chứng minh được sức mạnh của bản thân trong các trận không kích ở Libya, Mali và Iraq, Tân hoa xã nhận định.

Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi đã tuyên bố vào hôm 10-4 rằng, nước này muốn mua 36 chiến đấu cơ Rafale nhằm tăng cường sức mạnh không lực. Rafale đã từng được biên chế vào hải quân Pháp từ năm 2004 và không quân Pháp vào năm 2006, có thể được sử dụng để phòng thủ trên không, do thám, tấn công không đối không, không đối đất và cả tấn công công hạt nhân.

Rafale đã thể hiện được sự xuất sắc trong các nhiệm vụ ở Libya, Iraq và Mali 

New Delhi đã từng đàm phán với Pháp từ năm 2012 về việc mua 126 chiếc đấu cơ Rafale, tuy nhiên, thoả thuận này chưa thể hoàn thành, vì vấn đề giá cả và trách nhiệm liên quan đối với 108 chiếc sản xuất tại nội địa Ấn Độ. Thoả thuận này càng kéo dài thì New Delhi càng gặp nhiều áp lực do phi đội máy bay  MiG-21 của họ đã quá lỗi thời và sẽ ngừng sử dụng vào năm 2024.

Rafale chỉ xây dựng được tiếng tăm của mình kể từ khi nó tham gia không kích tại Libya vào năm 2011, với việc thực hiện được một nhiệm vụ kéo dài 9h35’ trong đó có một lần tiếp nhiên liệu trên không.

Tiếp đến năm 2013, chiếc tiêm kích này lại chứng minh nó có thể chịu được sức nóng ở sa mạc Sahara, khi Pháp tấn công các doanh trại quân đội li khai ở miền đông Mali. Rafale cũng đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ do thám và ném bom chính xác vào năm 2014 ở Iraq, nơi nó là một trong những chiến đấu cơ chủ lực không kích chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo Tân hoa xã, những màn trình diễn ấn tượng của Rafale chính là nguyên nhân khiến Pháp đạt được thoả thuận xuất khẩu đầu tiên với Ai Cập bao gồm 24 chiếc tiêm kích loại này.

Tân hoa xã cho rằng, chiếc máy bay có thiết kế khí động học, kĩ thuật điện tử hàng không và động cơ đều vượt trội hơn hẳn so với chiến đấu cơ Chengdu J-10 của Trung Quốc. Ngoài ra, điều khiến Rafale vượt trội hơn các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 khác đó là khả năng mang theo ASMP-A, loại tên lửa hành trình có thể được sử dụng như một loạt bắn cảnh báo trước khi tấn công hạt nhân.

Cả Ấn Độ và Pakistan đều là các nước sở hữu sức mạnh hạt nhân, tuy nhiên, các phương tiện để triển khai vũ khí hạt nhân vẫn là vô cùng cần thiết để thực hiện một đợt răn đe hạt nhân với đối thủ.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Manohar Parrikar cho biết, sẽ mất khoảng từ 2 đến 2 năm rưỡi để nước này nhận được lô chiến đấu cơ Rafale đầu tiên từ Pháp, do chiếc máy bay cần được biến đổi cho phù hợp với quân đội Ấn Độ và 2 nước vẫn còn một vài bất đồng về giá bán.