Trung Quốc phóng chùm 24 vệ tinh giám sát tên lửa đạn đạo?

ANTĐ - Vào lúc 10 giờ 58 phút ngày 31-3, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh “Thực Tiễn 11-06” bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2C từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền, vệ tinh đã bay vào quỹ đạo đã định một cách thuận lợi. 

Được biết, đây là quả thứ 6 thuộc serie vệ tinh “Thực Tiễn-11”. Quả đầu tiên mang tên “Thực Tiễn 11-01” được phóng lên vũ trụ vào ngày 12-11-2009.

Trường Chinh-2C là loại tên lửa đẩy do Viện nghiên cứu công nghệ tên lửa đẩy Trung Quốc, trực thuộc Tập đoàn khoa học kỹ thuật không gian Trung Quốc nghiên cứu phát triển. Vụ phóng vệ tinh lần này là lần phóng thứ 189 của thế hệ tên lửa đẩy Trường Chinh.

Vệ tinh Thực Tiễn 11-06 do Công ty trách nhiệm hữu hạn vệ tinh Đông Phương Hồng thuộc Tập đoàn khoa học kỹ thuật không gian Trung Quốc nghiên cứu và chế tạo, chủ yếu được dùng để triển khai các thực nghiệm khoa học và kỹ thuật trong không gian.

Trung Quốc phóng chùm 24 vệ tinh giám sát tên lửa đạn đạo? ảnh 1

Một vụ phóng tên lửa đẩy Trường Chinh


Theo giới quan sát nước ngoài phân tích, hệ thống vệ tinh “thực tiễn 11” được Bắc Kinh phóng lên quỹ đạo nhằm giám sát các hoạt động phóng vệ tinh và tên lửa đạn đạo trên phạm vi toàn cầu, thông qua các thiết bị cảm biến hồng ngoại mà nó mang theo, tương tự như dòng vệ tinh giám sát hồng ngoại STSS của Mỹ.

Nếu như điều này là chính xác thì Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục phóng thêm nhiều vệ tinh cùng loại, tạo thành một chòm 24 vệ tinh bao phủ toàn cầu.

Vệ tinh DSP hiện đang sử dụng của Mỹ ban đầu được thiết kế với mục đích phát hiện và đo đạc các loại tên lửa đạn đạo tầm xa và liên lục địa, không có khả năng quan trắc các tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Ngoài ra, DSP không có thể xuyên phá qua các tầng mây dày, đồng thời khả năng lọc nhiễu và bám bắt kém. 

Năng lực tích hợp, xử lý và chia sẻ thông tin của toàn bộ hệ thống DSP, đặc biệt là các trạm mặt đất rất kém, còn xa mới đáp ứng được yêu cầu cảnh báo sớm và phòng thủ tên lửa đạn đạo trong chiến tranh hiện đại. 

Trung Quốc phóng chùm 24 vệ tinh giám sát tên lửa đạn đạo? ảnh 2

Ảnh đồ họa chức năng phòng thủ tên lửa của vệ tinh STSS - Mỹ


Để hoàn thiện năng lực quan trắc, cảnh báo sớm, Bộ quốc phòng Mỹ đã khởi động chương trình “Hệ thống hồng ngoại không gian” (SBIRS) để thay thế chức năng cảnh báo sớm tên lửa của các hệ thống DSP. Sau đó, hệ thống vệ tinh quỹ đạo thấp thuộc SBIRS được chuyển giao về cho Cục phòng thủ tên lửa và được đổi tên thành STSS.

STSS là hệ thống vệ tinh giám sát hồng ngoại bao gồm 24 vệ tinh loại nhỏ, trọng lượng khoảng 1.000 kg, STSS có khả năng giám sát được tên lửa đạn đạo ở đoạn giữa, phân biệt được tên lửa có đầu đạn hay mồi nhử.

Do các đầu đạn, mồi nhử hoặc là cả khoang mẹ đều được STSS quan sát dưới dạng điểm, cho nên nó sẽ phân tích các thông tin, ví dụ như các đặc điểm quang phổ để nhận biết đối tượng, chỉ dẫn cho hệ thống tên lửa đánh chặn mục tiêu.