Trung Quốc khoe “Hắc Kiếm” là UAV tốc độ siêu thành đầu tiên trên thế giới

ANTĐ - Theo đài truyền hình Trung Quốc CCTV đưa tin, “Hắc Kiếm/ Dark Sword” có thể trở thành máy bay không người lái (UAV) có tốc độ siêu thanh đầu tiên trên thế giới. 

Trung Quốc khoe “Hắc Kiếm” là UAV tốc độ siêu thành đầu tiên trên thế giới ảnh 1Mô hình "Hắc Kiếm" được trưng bày tại Triển lãm hàng không vũ trụ Chu Hải Năm 2006

UAV “Hắc Kiếm” được biết đến lần đầu tiên tại Trung Quốc, với sự xuất hiện của mô hình máy bay không người lái có hình dạng tam giác tại triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Chu Hải, Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, diễn ra năm 2006.

Sau đó, mô hình này đã được trưng bày tại triển lãm hàng không tại Paris, tuy nhiên Bắc Kinh đã không đưa ra bất kỳ thông tin chính thức gì về sự phát triển của chiếc máy bay có hình dáng lạ này. Kể từ đó, nhiều người tin rằng, mô hình phát triển máy bay “Hắc Kiếm” đã bị hủy bỏ do thiếu tiền đầu tư và một số lý do khác. Đáng chú ý, có một số thông tin cho rằng, loại UAV này đang được Trung Quốc bảo mật và âm thầm nghiên cứu để tránh sự để ý từ các đối thủ khác.

Kênh truyền hình CCTV dẫn lời một chuyên gia hàng không Trung Quốc, Fu Qianshao rằng, ông không biết nhiều thông tin về dự án máy bay không người lái “Hắc Kiếm”. Nhưng nếu nó được chế tạo và thử nghiệm thành công thì có thể nó sẽ trở thành UAV siêu thanh đầu tiên của thế giới.

Vị chuyên gia cũng cho biết, ông không hề ngạc nhiên khi có thông tin cho rằng, dự án chế tạo “Hắc Kiếm” đang được Bắc Kinh âm thầm triển khai bởi sự thiếu thông tin minh bạch đối với ngành công nghiệp hàng không là điều dễ hiểu. Ngay cả Mỹ cũng đang thực hiện phương pháp này.

Thậm chí ông Fu nhận định rằng, mô hình khái niệm của máy bay có thể tiết lộ nhiều điều về trình độ công nghệ, chất lượng nghiên cứu và các chương trình phát triển vũ khí của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, những mô hình Bắc Kinh tiết lộ tại triển lãm hàng không Chu Hải là cơ hội để các chuyên gia đánh giá ngành công nghiệp hàng không của Trung Quốc. Đồng thời các đối thủ có thể tìm hiểu thêm các thông tin về các chương trình nghiên cứu và chế tạo khoa học của Trung Quốc.

Chuyên gia Fu cho biết, ông thực sự cảm thấy bị kích thích bởi sự xuất hiện của máy bay vận tải quân sự chiến lược C-17 Globemaster III của Mỹ được trưng bày tại Chu Hải năm nay. Bởi vì đây là lĩnh vực Trung Quốc còn nhiều hạn chế và có thể học hỏi từ mô hình này.

Ông Fu cho biết thêm rằng, đã có nhiều nhà sản xuất vũ khí từ châu Âu muốn mang các sản phẩm của họ tới Trung Quốc để trưng bày, với hy vọng sẽ tìm được các đối tác mua sản phẩm của họ bởi vì nhu cầu trong nước là không đủ để sản xuất, thế  nhưng các nước này đã gặp nhiều hạn chế từ lệnh cấm vận vũ khí.

Cuối cùng, chuyên gia kết luận, các chương trình triển lãm hàng không là cơ hội để trưng bày các sản phẩm hàng không mới, các loại vũ khí tiên tiến nhất và công nghệ cốt lõi từ các nước trên thế giới. Vì vậy, nếu Trung Quốc muốn trở thành một trong những nhà lãnh đạo thế giới trong ngành công nghiệp hành không thì đất nước phải học hỏi công nghệ của các nước khác và phát triển công nghệ của riêng mình.