Siêu tiêm kích tàng hình F-35 Mỹ đáng bị đánh tụt hạng xuống “Thế hệ thứ 4”

ANTĐ - Tạp chí “The Daily Beast” của Mỹ có bài phân tích về khiếm khuyết của máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 “Lightning-2” của Mỹ, và cho rằng nó chỉ xứng đáng xếp vào “thế hệ thứ 4”.

Một số chuyên gia Mỹ cho rằng, F-35 đã gặp phải một số lỗi kỹ thuật ngay trong giai đoạn thiết kế, trong đó lỗi nặng nhất chính là để cho một số radar của Nga và Trung Quốc phát hiện ra, hơn nữa 2 nước này đang ngày càng gia tăng số lượng các loại radar kỹ thuật cao.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, hệ thống áp chế radar đối phương lắp đặt trên máy bay tàng hình F-35 không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ của nó, hậu quả là rất có khả năng Mỹ phải nghiên cứu một loại máy bay chuyên dựng chế áp radar đối phương, để bảo đảm khả năng tàng hình cho loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này.

Cho nên, nhiều chuyên gia quân sự Mỹ đang hoài nghi việc Mỹ đầu tư một khoản ngân sách khổng lồ để chế tạo một loại máy bay được đánh giá là “siêu hiện đại, siêu tối tân” như F-35, mà vẫn phải kè kè bên cạnh một loại máy bay gây nhiễu và chế áp điện tử, liệu có đáng tiền hay không?

Thực tế, vấn đề khiếm khuyết tàng hình của F-35 đã bị chỉ ra từ rất lâu. Được biết, máy bay tiêm kích F-35 thế hệ mới dễ dàng bị radar siêu cao tần, bước sóng rất ngắn phát hiện ra.

Thiết bị đối phó với sự thăm dò của radar đối phương trên F-35 chủ yếu dùng chế áp các loại radar có bước sóng trong phạm vi 3cm, tính năng tàng hình của nó chỉ phát huy tác dụng mạnh nhất ở dải X-band và dải tần mà radar mạng pha điện tử APG-81 có thể bao trùm.

Các chuyên gia tin rằng, khiếm khuyết chết người này không phải là lỗi thiết kế máy bay, mà là hậu quả của việc xây dựng tiêu chí kỹ thuật chưa phù hợp của Lầu Năm Góc.

Radar băng VHF có khả năng thăm dò ra các thiết bị bay tàng hình điều này là hiển nhiên và Mỹ cũng biết điều đó ngay từ khi bắt đầu phát triển dự án nghiên cứu máy bay tàng hình F-35.

Năm 1983, Phòng thí nghiệm Lincoln thuộc Viện công nghệ Massachusetts (MIT) từng đặt mua một trạm radar có bước sóng 45m dùng để mô phỏng trạm radar VHF 2D P-14 của Nga. Trạm radar P-14 bao gồm 3 biến thể là 1RL113 "Lena" (NATO định danh “Tall King A”) và 44Zh6 "Furgon" (Tall King B) và 5N84A “Oborona-14” của Nga.

Chi nhánh công ty Lockheed Martin nằm ở FortWorth bang Texas đã đặc biệt lưu ý lắp ráp và nghiên cứu kỹ lưỡng biến thể cơ động 5N84A “Oborona-14”. Nhưng điều khiến cho các chuyên gia kinh ngạc chính là khi thiết kế tiêm kích tàng hình F-35, công ty Lockheed Martin lại không hề tham khảo những kinh nghiệm họ đã rút ra trước đây.

Chuyên gia kỹ thuật đã chỉ ra rằng, để đảm bảo tính năng tàng hình của máy bay ở dải sóng siêu cao tần, trước tiên phải loại bỏ phần cánh đuôi đứng, điều này đã được thực hiện trong quá trình nghiên cứu máy bay ném bom chiến lược B-2. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, yêu cầu này và các tiêu chí kỹ thuật mà Nhà Trắng đặt ra cho F-35 rất khó có thể thực hiện toàn vẹn.

Tổng chi phí dự án nghiên cứu máy bay tàng hình F-35 mà Lầu Năm Góc đặt mua của công ty Lockheed Martin vào khoảng trên 1,3 nghìn tỷ USD, là máy bay chiến đấu đắt tiền nhất, nghiên cứu phức tạp nhất mà hiệu quả chưa chắc đã cao nhất trong lịch sử phát triển của không quân Mỹ.

F-35 gồm tất cả 3 phiên bản để phục vụ cho Không quân, Hải quân và Hải quân đánh bộ Mỹ, bước đầu dự kiến năm 2016 sẽ đi vào hoạt động. Giá khởi đầu cho chiếc F-35 là 75 triệu USD, nhưng đến nay nó đã lên tới hơn 100 triệu USD/chiếc và chưa có dấu hiệu ngừng leo thang về giá.

Tờ “Взгляд” Nga đã bình luận, F-35 vốn phải “mất hết dấu vết” khi hoạt động ở không phận của đối phương, nhưng hiện nay xem ra, nó vẫn còn khuyết điểm rất lớn, để lộ hình dạng “rõ mồn một” trên màn hình radar đối phương. Điều này có thể hơi quá lời, nhưng quả thực, các hệ thống radar Nga và Trung Quốc hoàn toàn có khả năng phát hiện ra F-35.

Ban đầu loại tiêm kích tàng hình này gánh vác niềm hy vọng của Lầu Năm Góc, kết quả ngày càng kém do số lượng hệ thống radar của Nga và Trung Quốc không ngừng gia tăng. Ngoài ra, nó còn có khiếm khuyết lớn nữa mà hiện Lockheed Martin vẫn chưa thể khác phục được.

Tờ The Daily Beast cho rằng, F-35 thực sự không được tốt về phương diện chế áp sự thăm dò của radar đối phương, có nghĩa là Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải đầu tư hàng trăm tỷ USD, để phát triển máy bay tấn công thế hệ mới, nhưng lại cần tới sự trợ giúp của một máy bay chuyên dụng để ngăn chặn radar của đối phương.

Ngoài ra, F-35 còn “nổi tiếng” với hàng loạt những lỗi chết người trong quá trình thử nghiệm. Ví dụ như: Độ bền cơ học vật liệu chế tạo máy bay kém, kết cấu thiết kế bị lỗi, rò rỉ nhiên liệu, trục trặc phần mềm, hệ thống điện lực kém, lỗi động cơ…, khiến nó đã 9 lần bị đình chỉ bay sau 12 sự cố.

Một số chuyên gia cho rằng, bản thân F35 bộc lộ những khuyết điểm lớn, nên nó chỉ xứng đáng được xếp vào thế hệ thứ 4, chứ không phải là máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5. Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin đã từng cho rằng, tính năng F-35 không bằng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 T-50 của Nga.