Pháp bồi thường Nga 1,1 tỷ euro, loay hoay xử lý 2 “cục nợ” Mistral

ANTĐ - Theo truyền thông Nga và Pháp, Paris dự định đền bù phí tổn phá vỡ hợp đồng cung cấp tàu sân bay trực thăng “Mistral” cho Nga vào khoảng 1,1 tỷ euro.

Pháp lấy tiền bán máy bay đền bù hợp đồng cho Nga

Báo “Le Journal du Dimanche” của Pháp cho biết, nước này đã chuẩn bị kế hoạch đến bù phí tổn cho Nga trong thương vụ mua sắm tàu sân bay Mistral mà Paris đã phá vỡ hợp đồng, không bàn giao tàu cho phía Moscow do ủng hộ lệnh trừng phạt Nga của Mỹ và Liên minh châu Âu.

"Quyết định như vậy chưa chính thức hóa về mặt pháp lý, nhưng theo nguồn tin công khai, hai nước đã thỏa thuận trong vòng một tháng sẽ phân định chính xác những điều kiện về hủy bỏ hợp đồng cung cấp tàu lớp “Mistral” cho hải quân Nga” - tờ báo cho biết.

Theo nguồn tin riêng của “Le Journal du Dimanche”, số tiền đền bù mà phía Pháp đưa ra là vào khoảng 1,1 tỷ euro, trong đó 800 triệu euro là tiền hoàn trả ứng trước cho Nga khi bắt đầu hợp đồng, còn lại 300 triệu euro là tiền phạt phá vỡ hợp đồng.

Báo dẫn nguồn tin từ nhân viên Phủ Tổng thống Pháp, gần gũi với quá trình đàm phán về “Mistral” cho biết, theo những dữ liệu này, Pháp đang trông đợi vào hợp đồng cung cấp máy bay trực thăng trị giá 2 tỷ euro cho Ba Lan để lấy tiền trả cho phía Nga.

Cũng theo nguồn tin trên, “sau khi đền bù Pháp sẽ được quyền bán lại hai chiếc tàu chở trực thăng chế tạo cho Nga. Hiện đã có hàng loạt nước NATO muốn mua” - “Le Journal du Dimanche” đưa tin.

Tuy nhiên, theo những thông báo từ trước đây của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, một phần ba linh kiện của tàu Mistral là do Nga chế tạo, đặc biệt là phần đuôi của Mistral đã được thực hiện tại Nhà máy đóng tàu Baltic ở St Petersburg.

Tàu sân bay trực thăng lớp Mistral của Pháp

Ngoài ra, trên tàu còn có một số chi tiết khác do Nga chế tạo với tiêu chí dành riêng cho hoạt động của tàu chiến ở khu vực lạnh giá cực bắc nước này, đồng thời, toàn bộ hệ thống thông tin trên con tàu do Nga sản xuất và tích hợp.

Như vậy, có thể nhận định rằng, rất khó để Nga chịu nhận 300 triệu euro cho phần thân tàu và toàn bộ những cấu kiện đã tích hợp lên tàu. Rất có khả năng hạng mục này sẽ được tính vào danh mục khác, còn số tiền trên chỉ đơn thuần là tiền phạt hợp đồng.

Ngoài ra, nếu Nga không tháo dỡ các cấu kiện đã tích hợp trên tàu thì Pháp cũng không dễ bán được 2 tàu sân bay trực thăng Mistral, mà để lại sử dụng cũng không ổn vì hải quân nước này cũng đã biên chế tới 3 chiếc tàu cùng loại.

Pháp loay hoay tìm cách xử lý 2 “cục nợ”

Trước đây NATO đã từng từ chối thẳng thừng gợi ý của Mỹ về việc khối này mua lại 2 tàu sân bay Mistral để giúp đỡ Pháp do “không có ngân sách”. Washington tất nhiên là cũng không có ý định mua lại 2 tàu này bởi họ cũng đã có hàng tá loại tàu đổ bộ kiểu này.

Một số gợi ý khác như chuyển giao cho Ukraine sử dụng làm “tiền đồn chống Nga” cũng đã được đưa ra nhưng bị các chính khách Pháp cho là “lố bịch”.

Lí do trước hết là việc sở hữu tàu sân bay trực thăng - một phương tiện đổ bộ tấn công tầm xa - phải xuất phát từ yêu cầu trong chiến lược quân sự có tính toàn cầu như Mỹ, Anh, Trung Quốc…, mà những nước này hoặc đều có khả năng tự đóng các tàu phù hợp với yêu cầu sử dụng của mình hoặc sẽ không được bán (Trung Quốc).

Hai là, hiện không nhiều nước có được khoản ngân sách gần 1 tỷ USD để mua 1 chiếc tàu đổ bộ trực thăng Mistral. Hơn nữa, việc sở hữu tàu sân bay loại này đồng nghĩa với việc phải trang bị cho chúng hàng chục chiếc trực thăng đổ bộ, cảnh báo sớm, săn ngầm và tấn công.

Sau khi thanh lý hợp đồng, Pháp sẽ gặp khó khăn để xử lý 2 "cục nợ"
Cùng với đó, nước chủ quản sẽ phải biên chế một cụm tàu khu trục và hộ vệ hạng nặng, có khả năng tác chiến tầm xa để đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ tàu sân bay trực thăng này khi tác chiến xa các căn cứ bờ. Việc sỡ hữu và duy trì hoạt động của Mistral sẽ kéo theo vô vàn các chi phí phát sinh.

Ba là, không có nhiều khách hàng phù hợp

2 chiếc tàu lớp Mistral này được đóng theo yêu cầu của Nga với nhiều hệ thống thiết bị kiểu Nga, hoạt động chuyên trách ở những vùng biển băng tuyết như Bắc Băng Dương nên nước mua cũng phải có điều kiện địa lý tương tự mới phù hợp, nếu không, họ sẽ phải cải tạo lại hầu hết con tàu theo nhu cầu sử dụng, với nguồn kinh phí không nhỏ.

Xét về mọi yếu tố, Canada là nước phù hợp nhất để mua các tàu này do có điều kiện địa lý tương tự. Giới truyền thông cũng đã từng đề cập đến khả năng nước này xem xét mua tàu Mistral, nhưng sau đó do không đủ ngân sách và cũng không có nhu cầu sở hữu loại tàu đổ bộ trực thăng này nên Canada đã ngãng ra.

Hợp đồng cung cấp các tàu sân bay trực thăng Mistral trước đó đã được kí kết giữa công ty DCNS/STX của Pháp và công ty mua bán vũ khí Rosoboronexport của Nga vào năm 2011, với tổng trị giá là 1,2 tỷ euro (khi đó tương đương 1,66 tỷ USD) và Nga đã ứng trước cho Pháp một khoản chi phí ban đầu.

Dự kiến, chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao vào tháng 11 năm 2014, nhưng việc giao hàng đã bị hoãn lại vô thời hạn do áp lực từ phía Mỹ và EU lên Pháp, nhằm ủng hộ lệnh trừng phạt chống lại Moscow qua việc sát nhập Crimea và cáo buộc Nga can dự vào cuộc khủng hoảng Ukraine.