Pháp bán Rafale cho Ai Cập: Bớt tính năng nhưng giá không đổi

ANTĐ -  Các chiến đấu cơ Rafale Pháp bán cho Ấn Độ sẽ được bỏ đi khả năng tấn công bằng tên lửa đầu đạn hạt nhân và hệ thống truyền thông tiêu chuẩn NATO.

Sau khi được nâng cấp lên tiêu chuẩn F3 vào năm 2008, Rafale đã sử dụng được tên lửa ASMPA gắn được đầu đạn hạt nhân TN-200, tuy nhiên, khả năng này sẽ được gỡ bỏ khỏi các chiến đấu cơ bán cho Ai Cập. Ngoài ra, hệ thống truyền thông trên Rafale cũng sẽ được thay đổi do hiện Ai Cập không phải là thành viên NATO.

Chiến đấu cơ Rafale của Pháp cất cánh từ tàu sân bay

Các chiến đấu cơ Rafale là một phần của thoả thuận buôn bán vũ khí giữa Ai Cập - Pháp trị giá 5,2 tỉ USD, được kí vào hôm 16-2, bao gồm cả các tàu hộ vệ đa nhiệm DCNS FREMM và các tên lửa từ MBDA và Sagem.

Về phần các tàu hộ vệ, mọi hệ thống sẽ được dịch sang tiếng Anh và Ả-Rập, trong khi hệ thống chiến đấu sẽ bị lấy đi khả năng phóng tên lửa hành trình. Đây thực chất là tàu chiến đóng cho hải quân Pháp, tuy nhiên, sau khi Ai Cập chấp nhận mua thì Paris quyết định thay đổi các tham số và chuyển trước cho Cairo.

Hiện Ai Cập đã bắt đầu trả tiền cho hợp đồng trên và lô 5 chiếc Rafale đầu tiên sẽ được chuyển tới cho Cairo trong năm nay. Tuy nhiên, mặc dù bị gỡ bỏ một vài tính năng, Ai Cập vẫn phải trả mức giá như những mẫu thông thường.

Hợp đồng với Ai Cập chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lượng máy bay mới được biên chế vào không quân Pháp. Hiện tại tốc độ sản xuất của Rafale là 11 chiếc/năm, tuy nhiên Paris đang muốn đẩy nhanh lên trung bình 2,5 chiếc/năm.

Mặc dù Rafale đã xuất hiện từ lâu và chứa những công nghệ bậc nhất của Pháp, tuy nhiên Ai Cập mới là nước đầu tiên chấp nhận mua các chiến đấu cơ này. Ấn Độ đã từng có ý định mua liên 126 chiếc Rafale, tuy nhiên, thoả thuận này đang đi vào ngõ cụt do Paris và New Delhi không thể thống nhất được vấn đề giá cả và trách nhiệm liên quan với những mẫu máy bay sản xuất ở Ấn Độ.