Những ngày cuối cùng của "biểu tượng Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam"

Là tàu sân bay năng lượng hạt nhân đầu tiên, hoạt động lâu nhất thế giới tới nay, USS-Enterprise là biểu tượng cho sự can thiệp của Đế quốc Mỹ.

Được khởi đóng vào ngày 4/2/1958, USS Enterprise (CVN-65), là tàu sân bay đầu tiên trên thế giới sử dụng động lực hạt nhân, USS Enterprise mở ra kỷ nguyên ứng dụng năng lượng hạt nhân cho các tàu sân bay và là nền tảng để phát triển thành lớp tàu sân bay nặng nhất thế giới hiện nay lớp Nimitz.
USS Enterprise dài 342m, chiều ngang của tàu phần nhỏ nhất là 40,5m, lớn nhất 78,4m.
Tàu sân bay USS Enterprise trên biển vào năm 1964, dòng chữ E=mc2 ám chỉ tàu sân bay này sử dụng hệ thống động lực hạt nhân.
Tàu sân bay USS Enterprise trên biển vào năm 1964, dòng chữ E=mc2 ám chỉ tàu sân bay này sử dụng hệ thống động lực hạt nhân.
USS Enterprise là chiếc tàu sân bay có thời gian hoạt động lâu nhất Hải quân Mỹ cũng như của lịch sử hải quân thế giới đến nay. Được đưa vào sử dụng từ ngày 25/11/1961, USS Enterprise đã trải qua 51 năm phục vụ Hải quân Mỹ. 
Kỷ lục của USS Enterprise có thể do nó được đưa vào sử dụng trong thời kỳ căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh, bối cảnh lịch sử đã tạo cho CVN-65 nhiều cơ hội để tham gia vào cuộc chiến khác nhau trên khắp năm châu.
Một năm sau khi đưa vào vận hành thử nghiệm, tàu sân bay USS Enterprise được điều động tham gia vào cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba cùng với 3 tàu sân bay khác là USS Independence (CV-62), USS Essex (CV-9), USS Randolph (CV-15).

Trong giai đoạn 1963-1964, USS Enterprise đã hình thành nên cụm tàu sân bay chiến đấu năng lượng hạt nhân đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới.

USS Enterprise trên Đại Tây Dương vào năm 2006, dấu vết thời gian hằn rõ trên thân tàu Ảnh: Seaforce
USS Enterprise trên Đại Tây Dương vào năm 2006, dấu vết thời gian hằn rõ trên thân tàu
Ảnh: Seaforce

Tội đồ trong cuộc chiến Việt Nam
Tháng 11/1965, CVN-65 được điều động tham chiến tại chiến trường Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay năng lượng hạt nhân tham gia vào cuộc chiến thực tế. Ngay ngày đầu tiên tham chiến, tàu sân bay này đã thực hiện 125 phi vụ tấn công, ném hơn 151 tấn bom đạn vào các căn cứ của quân giải phóng gần khu vực Biên Hòa.
Cuối năm 1972, tàu sân bay này lại được huy động tham gia chiến dịch Linebacker-II (Điện Biên Phủ trên không), nhiệm vụ của các tiêm kích trên tàu sân bay này là không kích các mục tiêu ở Hải Phòng. Trong chiến dịch này, CVN-65 thực hiện hơn 705 phi vụ không kích.
Những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, tàu sân bay này tiếp tục được huy động tham gia hỗ trợ cho cuộc di tản khỏi Sài Gòn vào cuối tháng 4/1975.
Những cuộc chiến khác
Năm 1986, USS Enterprise được triển khai hỗ trợ các hoạt động ném bom Libya, trở thành tàu sân bay năng lượng hạt nhân đầu tiên quá cảnh qua kênh đào Suez. Tháng 12/1998, USS Enterprise là một trong 2 mũi nhọn trong chiến dịch ném bom Iraq với tên gọi Cáo sa mạc. Trong cuộc chiến này, 300 tên lửa hành trình Tomahawk đã được phóng đi vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Iraq.
Trong tháng 10/2001, CVN-65 được điều động thực hiện các cuộc không kích vào Afghanistan chống lại Taliban và Al Qeada sau sự kiện 11/09. Năm 2003-2004, tàu sân bay này lại được điều động tham gia vào chiến dịch Tự do Iraq. Đây là hoạt động chiến đấu trực tiếp cuối cùng của tàu sân bay này.
Từ đó tới lúc nghỉ hưu, vùng Vịnh là địa bàn triển khai hoạt động thường xuyên của USS Enterprise.
Các sự cố và tai nạn
Trong 51 năm hoạt động, tàu sân bay gặp không ít tai nạn và sự cố, chủ yếu liên quan đến các hoạt động của máy bay.
Tai nạn lớn đầu tiên của USS Enterprise xảy ra trong chiến tranh Việt Nam, ngày 14/01/1969 một quả tên lửa MK-32 Zuni gắn trên chiếc F-4 Phantom chuẩn bị thực hiện không kích miền Bắc Việt Nam đã bị phát nổ gần khu vực nhà ăn.
Cột khói bốc cao sau vụ nổ tên lửa trên boong tàu sân bay USS Enterprise ngoài khơi vịnh Bắc Bộ năm 1969, đây cũng là tai nạn lớn nhất của tàu này.
Cột khói bốc cao sau vụ nổ tên lửa trên boong tàu sân bay USS Enterprise ngoài khơi vịnh Bắc Bộ năm 1969, đây cũng là tai nạn lớn nhất của tàu này.
Vụ nổ đã thiêu rụi 15 chiếc máy bay, 27 người thiệt mạng và 314 người bị thương, thiệt hại gây ra cho boong tàu khá lớn. Tháng 11/1998, trong lúc hạ cánh vào ban đêm 1 chiếc máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler đã va chạm với một chiếc S-3 Viking vừa hạ cánh trước đó chưa kịp đưa vào nhà chứa. 
Giã từ biển cả bao la
Như bao cỗ máy chiến tranh khác, USS Enterprise cũng đến lúc phải giã từ sự nghiệp. USS Enterprise đã được lên kế hoạch nghĩ hưu vào năm 2014. Tuy nhiên, trước áp lực cắt giảm ngân sách, CVN-65 sẽ được nghỉ hưu sớm hơn dự kiến.
Trung tuần tháng 10/2012, USS Enterprise đã quay trở về căn cứ Norfolk, Virginia từ vùng Vịnh kết thúc những tháng ngày lênh đênh trên biển cả. Tại đây, tàu sân bay này sẽ được ngưng hoạt động vào ngày 1/12/2012. Công tác tháo dỡ lò phản ứng sẽ được tiến hành vào tháng 3/2013. Sau đó, tàu sân bay sẽ chuyển thành một bảo tàng. Đây cũng chính là tàu sân bay năng lượng hạt nhân đầu tiên ngưng hoạt động.
Dự tính, Mỹ sẽ tiết kiệm được 857,3 triệu USD kinh phí hoạt động cho năm tài khóa 2013 nhờ việc cho USS Enterprise "nghỉ hưu". Thay thế nó là tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN-72) tàu thứ 5 của lớp Nimitz.