Nhật Bản tăng mạnh ngân sách, đầu tư lớn trang bị bảo vệ Senkaku

ANTĐ - Chính phủ Nhật Bản đang yêu cầu khoản ngân sách 101.000 tỷ Yên cho năm tài khóa 2015, trong đó 50,4 tỉ Yên sẽ được chi cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) để tăng cường an ninh quanh quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông.

Hãng thông tấn Kyodo Nhật Bản ngày 27-8 cho hay, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang đệ trình kế hoạch cho năm tài khóa 2015 với ngân sách dự kiến 101.000 tỷ Yên (tương đương 940 tỷ USD), tăng 6.000 tỷ Yên (tương đương 56 tỷ USD) so với năm tài khóa 2014, mức tăng cao kỷ lục trong lịch sử của nước này. 

Đặc biệt là trong dự toán ngân sách năm 2015 thể hiện, Tokyo sẽ tăng cường cho lực lượng bảo vệ bờ biển tại khu vực đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), với số tiền theo dự kiến là 50,4 tỷ Yên (tương đương 469,5 triệu USD), tăng gấp đôi so với năm 2014.

Mới đây, lực lượng phòng vệ Nhật Bản tiết lộ, trong khoản dự toán ngân sách quốc phòng 2015, Nhật Bản sẽ chi cho việc mua chiến đấu cơ F-35 cùng máy bay không người lái UAV Global Hawk của Mỹ và máy bay cảnh báo sớm kiểu mới.

Nhật Bản đã tăng cường một lực lượng lớn bảo vệ Senkaku

Đồng thời, bộ quốc phòng nước này cũng đang nghiên cứu mua sắm thêm cả máy bay vận tải cánh quạt nghiêng V-22 Osprey và loại tàu đổ bộ tấn công đã qua sử dụng thuộc lớp Wasp của Mỹ, lượng giãn nước trên 40.000 tấn, có thể cải tạo để mang theo máy bay chiến đấu F-35.

Trong ngân sách năm tài khóa 2015 cũng bao gồm cả dự toán mua 20 máy bay tuần tiễu chống ngầm P1 do Tập đoàn công nghiệp năng Kawasaki sản xuất cho lực lượng tự vệ Nhật Bản, cùng 2 chiếc máy bay Boeing 777 chuyên dụng kiểu mới cho chính phủ nước này.

Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-1 của Nhật Bản 

Lãnh đạo lực lượng phòng vệ Nhật Bản cho hay, việc Nhật Bản gia tăng dự toán ngân sách quốc phòng 2015 là nhằm tăng cường sức mạnh phòng vệ tại khu vực chuỗi đảo phía tây nam, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông mà Nhật đang quản lý.

Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối gay gắt với Nhật Bản về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và khu vực biển lân cận. Bắc Kinh cho rằng đó thuộc lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc và  luôn cao giọng tuyên bố, nước này có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này.

Đồng thời, Trung Quốc liên tiếp điều tàu công vụ đến tuần tra tuyên truyền chủ quyền lãnh thổ tại vùng biển đảo này. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 8 đến nay Bắc Kinh đã 4 lần điều các tàu chấp pháp xâm nhập vùng biển cách Senkaku/Điếu Ngư 12 hải lý, mới đây nhất là ngày 24-8 với 4 tàu hải cảnh lần lượt mang số hiệu 2305, 2146, 2102, 2113.