Nga vượt Mỹ về khả năng triển khai tên lửa hạt nhân

ANTĐ -  Nga đang có tổng cộng 1.634 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng phóng, nhiều hơn một đầu đạn so với Mỹ, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Cả Nga và Mỹ đều tuyên bố sẽ nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine.

Bản báo cáo của Mỹ được thống kê dựa trên những số liệu trao đổi giữa 2 nước, vốn là một điều khoản trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). Những con số thống kê được cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của số lượng các đầu đạn hạt nhân từ hồi tháng 3, thời điểm mà Mỹ có tổng cộng 1585 đầu đạn sẵn sàng phóng trong khi con số này của Nga là 1.512.

Số lượng các đầu đạn của Nga và Mỹ đều đã vi phạm hiệp ước New START, được kí vào năm 2010 giữa Tổng thống Obama và người đồng cấp Nga lúc đó, Dmitry Medvedev, trong đó quy định số đầu đạn hạt nhân tối đa mà mỗi nước được triển khai chỉ giới hạn ở mức 1.550.

Trung tâm kiểm soát và chống phổ biến vũ khí ước tính rằng Moscow đang có tổng cộng 8.000 đầu đạn và Washington có hơn 7.000, tuy nhiên không phải tất cả số đầu đạn này có thể phân bố ngay đến các hệ thống vận chuyển và phóng ngay lập tức. 

Nga vượt Mỹ về khả năng triển khai tên lửa hạt nhân  ảnh 1
Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei của Nga

Nga vừa tuyên bố kế hoạch nâng cấp toàn bộ kho vũ khí hạt nhân từ giờ cho đến năm 2020, như một phần của chương trình hiện đại hoá vũ trang có ngân sách dự chi lên đến 700 tỉ USD. Mặc dù Moscow không thông báo chi tiết về cách thức nâng cấp khả năng hạt nhân của mình, tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán rằng Moscow tăng cường số lượng các đầu đạn hạt nhân được triển khai bằng cách trang bị nó vào một hoặc hai tàu ngầm hạt nhân lớp Borei.

Những tàu ngầm này được trang bị tên lửa Bulava, một trong những dự án tốn kém nhất trong lịch sử quân đội Nga và đã từng gặp phải nhiều vấn đề trong thời gian trước đây.

Tổng thống Putin gần đây còn tuyên bố rằng tên lửa siêu thanh vô cùng tinh vi của Nga có khả năng thay đổi quỹ đạo bay bất ngờ và có thể vượt qua được mọi hệ thống tên lửa phòng không trên thế giới.

Nga cũng đang đầu tư vào hệ thống tên lửa lưu động Yars và có kế hoạch làm “sống lại” hệ thống phóng tên lửa hạt nhân trên tàu hoả, vốn rất phổ biến trong thời Xô-viết.

Nga vượt Mỹ về khả năng triển khai tên lửa hạt nhân  ảnh 2
Hệ thống phóng tên lửa lưu động Yars

Washington đã lên tiếng quan ngại với kế hoạch nâng cấp vũ trang hoành tráng của Moscow và khẳng định Nga đã vi phạm Hiệp ước cấm thử và chế tạo vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) mà 2 nước đã kí vào năm 1987.

“Sự giả dối trong những cuộc thương thuyết cắt giảm vũ khí hạt nhân của Nga đang đe doạ trực tiếp tới Mỹ. Giờ đã quá muộn để buộc Nga thực hiện đúng thoả thuận đặt ra. Họ đã phóng thử tên lửa và chúng tôi không biết liệu Nga sẽ triển khai chúng trong tương lai hay không”,  Jim Inhofe, thành viên của Uỷ ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ.

Đáp lại những nghi ngờ từ Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã phát biểu vào tháng trước rằng Nga không hề muốn chạy đua vũ trang và cũng không dễ bị cuốn vào nó, Moscow chỉ đang hiện đại hoá các loại vũ khí vì tất cả chúng đều đã quá lỗi thời và cần được thay đổi. Ông Lavrov cũng khẳng định rằng Mỹ có toàn quyền nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình, tuy nhiên, sự hiện đại hoá phải nằm trong những quy chuẩn của Hiệp ước New START đã kí với Nga.

Tổng số lượng đầu đạn hạt nhân hiện tại của 2 nước nhìn rất đáng sợ, tuy nhiên, con số này thực sự vẫn còn kém xa so với thời kì đỉnh điểm chạy đua vũ trang giữa Nga – Mỹ trong những năm 1980, khi chỉ riêng Liên bang Xô-viết đã sở hữu hơn 40.000 đầu đạn hạt nhân.