Nga chế tạo “quân phục vô hình”, Mỹ nghiên cứu “bẻ cong ánh sáng“

ANTĐ - Quân đội Nga đang phát triển một loại “vải vô hình”, trong khi đó những vật liệu có tính năng tương tự đã được Mỹ giới thiệu từ khá lâu.

Nga chế tạo “vải vô hình”

Trong cuộc họp Ủy ban công nghiệp quốc phòng hồi tuần trước, Tổng thống LB Nga Vladimir Putin đã được các nhà sản xuất giới thiệu một loại “vải vô hình”. Loại vải này có thể vô hình trước các thiết bị thu ở dải sóng nhất định, rất có lợi trong chế tạo quân trang quân đội.

Theo Tass của Nga, loại vải trên được nghiên cứu thành công tại phòng thí nghiệm "Vật liệu đặc biệt" ở Saratov, do Đại học tổng hợp Quốc gia Saratov thành lập, với sự tham gia của “Quỹ Nghiên cứu triển vọng”. Phát minh này của các nhà khoa học có thể cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Nga.

Phòng thí nghiệm trên đang phát triển các vật liệu cho thể sử dụng làm quân phục binh sĩ. Những đặc tính của vải có thể làm tăng khả năng ngụy trang và bảo vệ tổng thể binh sĩ hay che giấu vũ khí trang bị ở cấp độ mới. Trong khi đó, phương Tây vẫn chưa phát triển được loại vật liệu tương tự.

Mẫu vải giới thiệu với Tổng thống Nga được sản xuất tại xí nghiệp Baltex ở Balashov, nơi đang ứng dụng các phát triển khoa học của phòng thí nghiệm trên thực tế. 38 mẫu vải đã được đăng ký mẫu mã sản phẩm với những đặc tính khác nhau như chịu va đập, chống chịu nhiệt độ, biến hình…

Tuy nhiên, không chỉ có Nga đang nghiên cứu phát triển công nghệ vật liệu quân sự tàng hình, mà hiện nay Mỹ đã thu được những thành tựu qua trọng trong lĩnh vực công nghệ biến hình và vải biến hình phục vụ cho mục đích quân sự.

Mỹ “âm mưu” bẻ cong ánh sáng

Hồi đầu năm 2014, hãng tin ABC News (Australia) đưa tin Không quân Mỹ hiện đang hợp tác với các nhà nghiên cứu thuộc đại học Deakin ở Úc để chế tạo một công nghệ đột phá trong việc bẻ cong hướng đi của ánh sáng khi tiếp xúc với vật thể, từ đó khiến vật thể dường như biến mất khỏi tầm nhìn.


Nga chế tạo “quân phục vô hình”, Mỹ nghiên cứu “bẻ cong ánh sáng“ ảnh 1Trang phục biến hình giúp binh lính tàng hình trên một ngọn đồi trọc
Phó Giáo sư Tiffany Walsh tại Đại học Deakin cho biết: “Đây là nguyên lý từng được phát hiện trên lớp xà cừ óng ánh ở ngọc trai. Bằng cách học theo tự nhiên, chúng ta có thể sắp xếp các phân tử có kích thước rất nhỏ (gọi là các phân tử nano) theo bố cục 3D một cách tinh vi”.

Bên cạnh việc giúp các trang bị cồng kềnh như xe tăng, thiết giáp… trở nên "vô hình", công nghệ trên cũng có thể được sử dụng để thay thế các dây dẫn, dùng ánh sáng cung cấp năng lượng cho các thiết bị. Một giáo sư tại Đại học Miami (Mỹ) xác nhận rằng, Không quân Mỹ hiện đang tiến hành dự án nghiên cứu này và hi vọng sẽ sớm ứng dụng vào thực tế.

Một công nghệ tương tự đã từng được giới thiệu trước đây, trong đó cũng sử dụng ý tưởng bẻ cong ánh sáng để ngụy trang, tuy nhiên, phương pháp mới không đòi hỏi vật thể cần ngụy trang phải che phủ thêm bên ngoài. Hiện chưa rõ tới thời điểm nào Mỹ sẽ có một “đội quân tàng hình”.

Công nghệ phản xạ hồng ngoại và trang phục “biến hình”

Ngay từ năm 2012, Mỹ cũng đã phát triển nhiều công nghệ tàng hình cho vải quân dụng theo một hướng khác.

Trung tâm các hệ thống cá nhân binh lính của lục quân Mỹ đã ký một hợp đồng trị giá 1,3 triệu USD với một công ty tư nhân, để ứng dụng công nghệ có khả năng phản xạ hồng ngoại vào may mặc các sản phẩm quân dụng.

Các chuyên gia ngụy trang quân sự của công ty Rothtec Engraving ở New Bedford, bang Massachusetts đã bắt tay nghiên cứu chế tạo một kỹ thuật tiên tiến là “công nghệ tàng hình hồng ngoại” để giúp binh lính Mỹ tránh được sự phát hiện của các thiết bị cảm biến hồng ngoại.

Hiệu quả rõ rệt của trang phục tàng hình khi nó biến hình dưới ánh sáng mặt trời

Loại sản phẩm dệt may này có khả năng chống lại các thiết bị cảm biến hồng ngoại của hệ thống giám sát, định vị chiến trường của đối phương. Công nghệ này có khả năng phản xạ sóng điện từ, trả lại cho người quan sát các đặc trưng và quang phổ hồng ngoại đồng nhất với môi trường.

Chuyên gia ngụy trang của công ty Rothtec Engraving cho biết, sử dụng công nghệ phản xạ hồng ngoại sẽ phá hoại định dạng hình ảnh trên thiết bị của đối phương, xóa nhòa hiển thị mục tiêu; các trang, thiết bị ngụy trang bằng công nghệ này sẽ hòa trộn vào môi trường tự nhiên, làm mù khả năng quan sát của các thiết bị cảm biến hồng ngoại, nâng cao khả năng sinh tồn cho con người và trang bị trong chiến tranh công nghệ cao.

Hiện quân đội Mỹ cũng đang nghiên cứu chế tạo các loại trang phục biến hình và đã thu được thành công mỹ mãn. Các loại trang phục tương lai của quân đội Mỹ sẽ pha trộn giữa công nghệ điều phối màu công nghệ số, kỹ thuật phối hạt hóa học gây ảo giác và đánh lừa thị giác quân địch, kỹ thuật nhuộm chất hóa học có khả năng hấp thụ ánh sáng và biến đổi theo môi trường….

Sự dung hòa các công nghệ và kỹ thuật làm trang phục binh sĩ có khả năng biến hình rất cao, khi tác chiến trên biển có màu xanh lam, trong rừng rậm đổi sang màu xanh lục, trên sa mạc đổi sang màu vàng… Loại vật liệu có tính năng phản xạ hồng ngoại này còn được sử dụng chế bao vũ khí; bạt ngụy trang xe tăng, thiết giáp; lều dã chiến…,

Có thể nói, trong tương lai khi công nghệ biến hình và công nghệ phản xạ hồng ngoại được tích hợp trong sản xuất trang phục và thiết bị quân dụng khác thì binh lính Mỹ hoàn toàn có khả năng tàng hình trước mắt quân đối phương.