Mỹ - Đài Loan: 45 tỷ USD vũ khí và những câu hỏi không lời đáp

ANTĐ - Ngày 13 tháng 8, bài viết trên trang mạng Chinareview của Hồng Kông, viện dẫn một bản báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết, Chính phủ Mỹ đã báo cáo với quốc hội là từ năm 1990 đến nay, nước này đã bán cho Đài Loan số lượng vũ khí, trang bị khổng lồ trị giá 44,8 tỷ USD, biến Đài Loan trở thành một trong những khách hàng mua sắm vũ khí lớn nhất của Mỹ.

Bản báo cáo này được các chuyên viên của Viện nghiên cứu của Quốc hội Mỹ công bố vào cuối tháng 7 vừa qua. Nó đã khái lược lại lịch sử giao dịch vũ khí Mỹ - Đài Loan từ thập niên 90 - thế kỷ 20 trở lại đây, đồng thời mô tả chi tiết các hạng mục nghiên cứu chung, hợp đồng mua bán vũ khí và kim ngạch giao dịch thương mại vũ khí giữa 2 nước bắt đầu từ năm 1990 cho đến nay.

Từ bản báo cáo này có thể nhận thấy, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, trải qua 4 đời Tổng thống Mỹ, dẫn đầu trong quan hệ Mỹ - Đài là chính quyền Bush (con), với 15,6 tỷ USD vũ khí bán cho Đài Loan trong vòng 8 năm, chính phủ Obama cũng đã bán cho Đài Loan 12,2 tỷ USD, tuy chỉ xếp thứ 2 nhưng thực ra là dẫn đầu vì các hợp đồng này chỉ diễn ra trong 1 nhiệm kỳ Tổng thống.

Trong số này, hợp đồng vũ khí có giá trị lớn nhất được thực hiện dưới nhiệm kỳ của Bush (cha) với giá trị 5,8 tỷ USD. Ngày 14/09/1992, Mỹ công bố bản hợp đồng bán 150 chiếc máy bay chiến đấu F-16A/B, bản hợp đồng xếp thứ 2 là dưới thời Obama, khi họ giúp Đài Loan nâng cấp kỹ thuật cho 145 chiếc F-16A/B, với giá 5,3 tỷ USD vào năm 2011. Còn chính quyền Clinton cũng bán cho Đài Loan 8,7 tỷ USD vũ khí trong vòng 8 năm.

Phi đội máy bay chiến đấu F-16 của không quân Đài Loan

Trong vòng 23 năm qua, Mỹ tuyên bố chỉ có 20 năm là có thực hiện các giao dịch vũ khí, trong đó có 13 năm kim ngạch xuất khẩu đều đạt trên dưới 1 tỷ USD. Tuy trong vòng 10 năm trở lại đây có 3 năm không xuất khẩu vũ khí, nhưng từ năm 2007 trở lại đây, mỗi lần Mỹ tuyên bố có giao dịch là giá trị hợp đồng đều rất lớn. Ví dụ như ngày 3/10/2008, Mỹ đã công bố 6 hợp đồng lớn, trong đó có 330 quả tên lửa Patriot, 30 chiếc trực thăng tấn công Apache. Giá trị của 6 hợp đồng này lên tới 6,5 tỷ USD.

Ngày 29/01/2010, Mỹ lại tiếp tục công bố 5 hợp đồng lớn, đặc biệt đáng chú ý là 114 quả tên lửa Patriot và 60 chiếc máy bay trực thăng Sikorsky UH-60 Black Hawk, tổng trị giá hợp đồng 6,4 tỷ USD. Tiếp theo, ngày 21/09/2011, Mỹ tiếp tục tuyên bố 3 hợp đồng khủng, điểm nhấn là hạng mục nâng cấp kỹ thuật cho 145 chiếc máy bay chiến đấu F-16A/B, tổng giá trị của 3 hợp đồng này là gần 5,9 tỷ USD.


Đài Loan đã mua của Mỹ hàng trăm quả tên lửa phòng không Patriot-3

Báo cáo cho biết, khi tình hình 2 bờ eo biển trở nên căng thẳng vào năm 1996, Mỹ âm thầm phát triển quan hệ hợp tác quân sự với Đài Loan lên một mức độ chưa từng có kể từ năm 1979 trở lại đây. Sự lo lắng về khả năng đối phó của Đài Loan đối với chúng ta (chỉ Trung Quốc) đã khiến quan hệ hợp tác song phương Mỹ - Đài Loan, về các lĩnh vực an ninh và quốc phòng được nâng lên một tầm cao mới.

Bắt đầu từ năm 1996, Lầu năm góc luôn xây dựng các báo cáo đánh giá về nhu cầu phòng vệ của Đài Loan. Còn về phía Đài Loan, từ năm 2006 đến nay, họ luôn khao khát mua được máy bay chiến đấu F-16 C/D, nhưng suốt từ thời Bush (con) cho đến khi Obama lên cầm quyền, chính phủ Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định. Trong suốt thời gian đó, một số nghị sĩ quốc hội đã bày tỏ sự bất mãn về vấn đề này, hòng gây sức ép lên quyết định bán vũ khí cho Đài Loan.

Máy bay trực thăng tấn công Apache Đài Loan mua của Mỹ

Bản báo cáo thừa nhận, những quyết sách chiến lược của Mỹ liên quan đến vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan luôn tồn tại một vấn đề, là có nên đẩy quan hệ hợp tác - đề phòng lẫn nhau giữa Đài Bắc và Đại Lục theo hướng chiến tranh? Và vấn đề tăng cường đối thoại và thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin giữa 2 bờ eo biển, có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến lợi ích chiến lược của Mỹ?

Đồng thời, báo cáo còn chỉ ra một số vấn đề chưa rõ ràng trong chiến lược của Mỹ đối với Đài Loan là trong chiến lược của mình, Mỹ coi vấn đề an ninh của Đài Loan chỉ mang tính chất cục bộ trong quan hệ giữa 2 bờ eo biển, hay là nó có tác dụng chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thậm chí là trên toàn cầu? Cho đến nay, những vấn đề này luôn là trọng tâm của những tranh cãi liên tục xảy ra trong lòng nước Mỹ.