Khám phá Su-22 - "Đôi cánh ma thuật" của Không quân Việt Nam

ANTĐ - Sau 1975, ngoài những chiến đấu cơ "chiến lợi phẩm", Việt Nam còn được Liên Xô viện trợ thêm nhiều máy bay mới, trong đó có "đôi cánh ma thuật" Su-22.

Tiêm kích – bom cánh cụp cánh xòe Su-22 Liên Xô nghiên cứu thiết kế, đưa vào phục vụ từ những năm 1970. Việt Nam bắt đầu nhận được số lượng nhỏ Su-22M/UM trong năm 1979.
Vũ khí mới của Việt Nam năm 1979
Năm 1979 là thời điểm mà Việt Nam được Liên Xô viện trợ nhiều vũ khí hiện đại như: biến thể tiêm kích MiG-21bis, tiêm kích – bom Su-22, máy bay vận tải chiến thuật An-26, tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến dịch – chiến thuật 9K72 Elbrus (12 xe phóng đủ biên chế 1 lữ đoàn)...
Trong đó, có thể nói, Su-22 là một trong những chiến đấu cơ hiện đại nhất được trang bị trong không quân ta thời điểm cuối những năm 1970. Đầu tháng 4/1979, Quân chủng Không quân cử các đoàn cán bộ sang Liên Xô học chuyển loại sử dụng máy bay tiêm kích MiG-21bis và tiêm kích – bom Su-22M.
Đoàn chuyển loại Su-22 đầu tiên do đồng chí Lê Hải phụ trách, đoàn thứ 2 do đồng chí Hán Văn Quảng làm trưởng đoàn. Thời gian chuyển loại bay Su-22 là 3 tháng. Toàn bộ các máy bay tiêm kích – bom Su-22M được đưa vào biên chế Trung đoàn 923, Sư đoàn 372. Những chiếc Su-22 đã đóng góp một phần công không nhỏ trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc những năm xảy ra căng thẳng trên tuyến biên giới đất liền.
Cuối những năm 1980, Su-22 gần như là chiến đấu cơ chủ lực của Không quân bảo vệ quần đảo Trường Sa. Đặc biệt, Su-22 là chiến đấu cơ đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam bay ra tuần tiễu Trường Sa.
“Đôi cánh ma thuật” Su-22
Su-22 có hình dáng thân dài, buồng lái lớn và đặc biệt ứng dụng công nghệ cánh cụp cánh xòe cho phép khả năng tăng tốc độ nhanh chóng. Tuy nhiên, cánh cụp cánh xòe của Su-22 mới chỉ ở dạng sơ khai, nửa cuối cánh có thể thay đổi.
Cửa hút gió Su-22 nằm ở ngay mũi máy bay giống với MiG-17, MiG-19, 21. Kiểu dáng Su-22 khá giống với MiG-21 nhỏ bé hơn rất dề làm người ta lầm tưởng nếu không nhận dạng qua cặp cánh. Về hệ thống điện tử, những chiếc Su-22M viện trợ cho Việt Nam thuộc biến thể nội địa Su-17M3 nhưng trang bị điện tử ở mức thấp hơn, tương đương Su-17M2. Su-22M lắp động cơ tuốc bin phản lực R-29BS-300 cho phép đạt tốc độ tốc đa 1.885km/h ở độ cao 8.000m.
Sau này, Việt Nam được nhận thêm một số Su-22M3 cũng phát triển từ biến thể nội địa Su-17M3 nhưng trang bị hệ thống điện tử hoàn chỉnh của biến thể Su-17M3.

Tiêm kích - bom Su-22 của Không quân Nhân dân Việt Nam, trong ảnh các kỹ thuật viên đang di chuyển tên lửa chống radar Kh-28.

Tiêm kích - bom Su-22 của Không quân Nhân dân Việt Nam,
trong ảnh các kỹ thuật viên đang di chuyển tên lửa chống radar Kh-28.

Biến thể cuối cùng dòng Su-22 mà Việt Nam nhận được là Su-22M4 (biến thể xuất khẩu Su-17M4) được nâng cấp đáng kể hệ thống điện tử: hệ thống dẫn đường RSDN, dẫn đường tín hiệu, dẫn đường quán tính, thiết bị đo xa laser mạnh hơn, la bàn vô tuyến, hệ thống radar cảnh báo SPO-15LE. Su-22M4 trang bị động cơ tuốc bin phản lực AL-21F3 cho pép đạt tốc độ tối đa 1.860km/h, tầm bay chiến đấu 1.150km (với 2 tấn vũ khí). Tuổi thọ khung thân Su-22M4 khoảng 2.000 giờ bay hoặc 20 năm.

Về hệ thống vũ khí trang bị cho Su-22M/M3/M4, các biến thể thiết kế với 2 pháo NR-30 cỡ 30mm (80 viên đạn mỗi súng), ngoài ra, hai mấu cứng dưới cánh Su-22 mang tên lửa đối không tầm nhiệt R-60 để tự phòng vệ.

Vũ khí chính treo trên 10 giá (3 giá treo đặt ở phần cố định mỗi cánh và 4 giá dưới thân) mang được 4 tấn vũ khí gồm: tên lửa không đối đất Kh-23, Kh-25; tên lửa chống radar Kh-28, bom có điều khiển, bom không điều khiển, rocket...