Hải quân Pháp cương quyết nói “không” với tàu sân bay Mistral

ANTĐ - Trong một tuyên bố chính thức đầu tiên, Tham mưu trưởng Hải quân Pháp Bernard Rogel đã loại bỏ khả năng hải quân nước này tiếp nhận 2 tàu sân bay Mistral đóng cho Nga.

Trả lời phỏng vấn của báo giới ngày 17-5, Tham mưu trưởng Hải quân quốc gia Pháp, Đô đốc Bernard Rogel tuyên bố rằng lực lượng hải quân nước này không cần những con tàu chở trực thăng "Mistral" vốn đóng cho Nga, bởi họ đã có tới 3 chiếc tàu dạng này.

Hãng thông tấn Nga TASS dẫn tuyên bố của Đô đốc Bernard Rogel đăng tải trên “Le Monde” rằng, nếu bị bắt phải sử dụng thì họ đành chấp nhận còn "nếu Hải quân Pháp được hỏi có cần đến những con tàu Mistral hay chăng, thì câu trả lời chắc chắn sẽ là: không”.

Trong thời gian qua, cũng có nhiều lời đồn thổi về việc Mỹ khuyên Pháp nên để tàu Mistral lại sử dụng, nhằm tăng thực lực quân sự của Pháp và NATO nhưng hải quân nước này đã từ chối. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của hải quân Pháp công khai nói về vấn đề này.

Ngoài ra, tờ “Le Monde” cho biết, trong giới quân sự đang bàn về 3 phương án giải quyết vụ Mistral là bán cho nước thứ 3, cắt xẻ bán sắt vụn và đánh chìm tàu. Hiện bán lại thì Nga không cho phép, cắt xẻ tàu cũng rất tốn kém nên "phương án tốt nhất là đánh chìm những con tàu này”.

"Việc đánh chìm những con tàu sân bay trực thăng này là giải pháp tốt nhất cho Pháp hiện nay. Mặc dù rõ ràng tập thể công nhân đã lao động để đóng tàu không thích ý kiến như vậy, nhưng đó là phương án đỡ tốn kém nhất, vào khoảng 20 triệu euro" - bài viết trên “Le Monde” giải thích.

Hải quân Pháp đã chính thức từ chối sử dụng các tàu sân bay trực thăng Mistral

Cách đây vài hôm, tờ l'Opinion cũng có ý kiến tương tự khi cho rằng, tại tổng hành dinh hải quân, bất kỳ câu hỏi nào về số phận tương lai của hai con tàu "Vladivostok" và "Sevastopol" đều gặp phải sự im lặng, bởi hải quân nước này sợ rằng các nhà lãnh đạo chính trị sẽ ép buộc họ phải nhận 2 con tàu này.

Nhà báo Pháp Jean-Dominique Merchet, người chuyên viết về các vấn đề quân sự cho biết, hải quân nước này đã có tới 3 tàu sân bay trực thăng Mistral, được đưa vào biên chế trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2012. Họ hài lòng với một lực lượng như vậy và không cần thêm bất cứ một chiếc nào nữa.

Hơn nữa, việc chuyển giao thêm 2 con tàu khổng lồ, có trị giá gần 2 tỷ USD trong khi ngân sách vẫn giữ nguyên, có nghĩa là hải quân Pháp sẽ phải loại bỏ hàng chục tàu khu trục và hộ vệ thế hệ mới khỏi kế hoạch, gây nên sự mất cân bằng sức mạnh trong hải quân.

Đây là là một cơn ác mộng thực sự đối với các đô đốc Pháp, vì họ không muốn lực lượng hải quân phải phụ thuộc vào một vài chiếc tàu chiến lớn, trong khi đó, lực lượng tàu nổi tác chiến và cả tàu ngầm thông thường tiên tiến hiện mới là điều hải quân nước này còn đang thiếu.

Mistral là lớp tàu đổ bộ trực thăng thế hệ mới của hải quân Pháp, cũng còn gọi là tàu sân bay trực thăng. Đây là loại tàu đổ bộ tấn công, chỉ huy và cơ động lực lượng chớp nhoáng mới của Hải quân Pháp, phục vụ cho chiến lược tác chiến toàn cầu.

Hải quân Pháp cương quyết nói “không” với tàu sân bay Mistral ảnh 2Mistral đóng vai trò là kỳ hạm của nhóm tàu đổ bộ viễn chinh

Trong nhóm tàu đổ bộ tấn công tầm xa, bao gồm cả tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu hậu cần viễn dương, Mistral sẽ được dùng làm tàu chỉ huy, đổ bộ tấn công, hỗ trợ hậu cần, di tản nhân đạo, bệnh viện dã chiến và thực hiện các sứ mệnh tác chiến hải quân khác với phạm vi hoạt động lên tới 40.000km.

Tàu đổ bộ lớp Mistral là sản phẩm do hai tập đoàn sản xuất vũ khí Thales và Chantiers de l'Atlantique hợp tác thiết kế chế tạo theo đơn đặt hàng của Hải quân Pháp. Tàu được đóng tại hai nhà máy Arsenal de Brest và Chantiers de Saint-Nazaire.

Hiện lực lượng hải quân nước này đã có 3 tàu loại này. Chiếc thứ nhất là L9013 Mistral, chiếc thứ 2 là L9014 Tonnerre, 2 chiếc này đều được bàn giao cho hải quân Pháp trong năm 2006. Hải quân nước này tiếp nhận chiếc thứ 3 là L9015 Dixmude vào năm 2012.

Theo thiết kế ban đầu của Pháp, con tàu có thể chuyên chở 16 trực thăng hạng nặng hoặc 35 máy bay trực thăng hạng nhẹ. Đồng thời có thể chuyên chở 4 tàu đổ bộ CTM, 2 tàu đệm khí (LCAC), 59 xe cơ giới (bao gồm cả 13 xe tăng Leclerc) hoặc 1 tiểu đoàn 40 xe tăng Leclerc hạng nặng.

Theo kế hoạch biên chế của Nga, chiến hạm lớp Mistral sẽ được trang bị 8 trực thăng tấn công Kamov Ka-52K, 8 trực thăng Ka-29/31 Helix. Ngoài ra, nó còn mang theo tàu đổ bộ đệm khí, các tàu đổ bộ Serna và Dyugon của Nga. Tàu có khả năng chuyên chở tới 70 xe thiết giáp các loại và 450 lính.