Dùng tàu đổ bộ Mistral để ép Nga, Pháp vừa dọa vừa run

ANTĐ - Paris vừa lên tiếng là không loại trừ khả năng sẽ từ chối bán tàu sân bay trực thăng Mistral cho Moscow, nhưng với điều kiện là tất cả các nước Mỹ và EU cùng phải tham gia cấm vận Nga.

Tuyên bố trên do Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius đưa ra ngày 18-03. Theo ngoại trưởng Pháp, quyết định như vậy có thể được thông qua trong trường hợp tình hình xung quanh Ukraine leo thang hơn nữa, mà các biện pháp ngoại giao không phát huy được tác dụng.

Hãng thông tấn ITAR-TASS trích lời vị Bộ trưởng Pháp: "Khả năng hủy hợp đồng bán các tàu Mistral nằm trong danh mục các biện pháp trừng phạt Nga ở cấp độ thứ ba. Hiện nay chúng tôi đang đứng ở cấp độ hai”.

Tuy nhiên, ông  Fabius còn “thòng” thêm một điều kiện, Paris sẽ thực hiện biện pháp cấm vận đối với Moscow là hủy bỏ hợp đồng mua bán được ký kết vào tháng 6-2010 này, với điều kiện là Pháp sẽ không hành động đơn phương, mà cần thiết có sự tham gia của cả các nước khác.

Paris đưa ra một ví dụ là đề nghị Vương quốc Anh cũng áp dụng trừng phạt với quy mô tương đương, đánh vào tài sản của các nhà tài phiệt Nga tại London. Người đứng đầu ngoại giao đoàn Pháp khẳng định, việc trừng phạt “phải có sự tham gia của tất cả các nước phương Tây”.

Trước đây, vào ngày 3-3, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết, Paris không có ý định đình chỉ các thỏa thuận quân sự với Nga sau khi Moscow đe dọa sử dụng vũ lực tại Ukraine. Ông cho rằng không cần thiết phải tìm kiếm một hình thức xử lý để thay thế các biện pháp ngoại giao, nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại Kiev.

Ngày 06-03 vừa qua, các chuyên gia kỹ thuật quân sự Pháp vẫn quyết định thử nghiệm kỹ thuật lần đầu trên biển đối với tàu sân bay trực thăng Vladivostok lớp Mistral theo hợp đồng bán cho Nga. Thử nghiệm sẽ bao gồm xác minh hoạt động của hệ thống định vị, hệ thống điều khiển và chuyển động của tàu trên mặt nước.

Dự kiến chiếc đầu tiên là Vladivostok sẽ được bàn giao cho Nga vào quý 3 năm nay. Nếu hợp đồng mua 2 tàu đổ bộ có trị giá 1,6 tỷ USD, thậm chí có thể còn cao hơn nhiều (vì kèm theo điều kiện mua thêm 2 chiếc nữa) đổ vỡ, hải quân Pháp có thể “buộc phải” sử dụng 2 chiếc tàu này (chiếc thứ 2 đã được khởi đóng ngày 18-06-2013), hoặc Pháp sẽ phải tìm một khách hàng để bán tống chúng đi.

Trong điều kiện các cường quốc đều cắt giảm ngân sách quốc phòng và tự đóng được tàu sân bay trực thăng, các nước nhỏ thì không đủ khả năng mua hoặc ưa chuộng kiểu tàu đổ bộ của Mỹ, Pháp sẽ khó “đẩy đi” được 2 tàu đổ bộ này. Vì vậy, việc Paris “rụt rè” trong việc đưa ra biện pháp cấm vận này đối với Moscow cũng là điều dễ hiểu.