Chính phủ và ly khai cùng tăng cường lực lượng, Donbass sẽ đi về đâu?

ANTĐ - Tổng thống Poroshenko thừa nhận rằng, ông “buộc phải” sử dụng biện pháp hoà bình để giải quyết xung đột ở khu vực Donbass. Điều này có ý nghĩa như thế nào và tương lai của vùng đông nam Ukraine sẽ đi về đâu?

Thỏa thuận hòa bình giữa quân chính phủ và phe ly khai Ukraine, bao gồm Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) đã được ký kết. Tuy nhiên, dù Liên Hợp Quốc và OSCE kêu gọi không sử dụng lệnh ngừng bắn để giành lợi thế ở mặt trận, quân đội Ukraine đang tích cực tái trang bị và tăng cường vị thế của mình ở miền Đông Ukraine.

"Chúng tôi không ảo tưởng rằng, việc đưa vào Lugansk và Donetsk thêm mấy tiểu đoàn tiễu phạt có thể giải quyết tình hình. Bởi vì người ta chỉ đơn giản sẽ không cho phép chúng tôi làm như vậy" - Tổng thống Poroshenko tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình địa phương.

Lời tuyên bố này không chỉ là một nỗ lực xoa dịu tâm trạng hiếu chiến trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội sẽ tiến hành vào ngày 26-10.

Nhà phân tích chính trị Nga Viktor Kuvaldin cho rằng, Tổng thống Poroshenko đã nói sự thật. Tất nhiên, giới thượng lưu ở Kiev, trong đó có cả vị tổng thống, muốn giải quyết cuộc xung đột ở khu vực Đông Nam nước này bằng bạo lực, muốn đập tan sự kháng cự của các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng, bằng các biện pháp quân sự.

Tuy nhiên, chính quyền Kiev không có khả năng làm như vậy, quân đội Ukraine đã không thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột với lực lượng ly khai của DPR và LPR. Và ông Poroshenko đã phải thừa nhận là Chính quyền Kiev không hài lòng với kế hoạch hòa bình, nhưng họ “không có sự lựa chọn nào khác”.

Chính phủ và ly khai cùng tăng cường lực lượng, Donbass sẽ đi về đâu? ảnh 1

Quân chính phủ Ukraine đã huy động các hệ thống rocket nhiều nòng vào tham chiến


Trước đó, Tổng thư ký OSCE Lamberto Zannier đặc biệt nhấn mạnh rằng, các bên tham gia cuộc xung đột ở phía Đông Ukraine không nên lợi dụng lệnh ngừng bắn để giành lợi thế ở mặt trận. Nhưng, Kiev có cái nhìn khác về những gì đang xảy ra và cả lực lượng ly khai cũng thế.

Có thể nhận thấy một điều khá rõ ràng là quân đội Ukraine đang tích cực tái trang bị. Tuần trước, Tổng thống Poroshenko đã thực hiện chuyến công du xuyên Đại Tây Dương, đến thăm Canada, Hoa Kỳ và yêu cầu cung cấp thiết bị quân sự hạng nặng và các loại vũ khí khác.

Về phát ngôn chính thức, Mỹ và các nước NATO đã phủ nhận cung cấp các trang bị phi sát thương, chỉ hỗ trợ Ukraine về mặt tài chính, hậu cần để cải thiện hệ thống an ninh, quân đội. Nhưng Kiev vẫn công khai bày tỏ thái độ cương quyết không từ bỏ ý muốn của mình là được cung cấp các loại vũ khí trang bị.

Kiev còn tuyên bố “đã nhận được những trang thiết bị quân sự cần thiết nhất” từ các nước đồng minh NATO. Tuy các nước này một mực phủ nhận nhưng nếu không có thì làm sao Kiev dám tuyên bố mạnh mẽ như thế?

Các nhà máy quân sự địa phương của Ukraine đang hoạt động hết công suất, chế tạo xe thiết giáp, mới khôi phục hoạt động các xe bọc thép cũ và ngay lập tức được gửi đến phía Đông của đất nước, các hệ thống tên lửa đạn đạo Toucka-U, các hệ thống rocket nhiều nóng BM-21 Grad, BM-30 Smech được huy động tối đa.

Chính phủ và ly khai cùng tăng cường lực lượng, Donbass sẽ đi về đâu? ảnh 2

Quân ly khai đã mạnh lên trông thấy từ cuối tháng 8


Ở khu vực Đông Nam, Kiev đang tập hợp lực lượng vũ trang, tăng cường vũ khí, trang bị; đào hào, lập chướng ngại vật. Thậm chí Kiev còn đang triển khai xây dựng “vạn lý trường thành” trên 2.000km dọc tuyến biên giới với Nga để ngăn chặn dòng chiến binh và vũ khí xâm nhập nước này.

Theo chiều ngược lại, phe ly khai cũng bày tỏ quan điểm đối lập của mình. Lãnh đạo 2 nước Cộng hòa tự xưng ở Donetsk và Lugansk đã không dưới 1 lần tuyên bố thẳng thừng là không cần “quyền tự trị mở rộng” của Kiev bởi họ đã có “quyền độc lập”, đồng thời tẩy chay bầu cử quốc hội Ukraine vào ngày 26-10 tới.

Dạo cuối tháng 8, lực lượng ly khai ở Donetsk đã bất ngờ lật ngược tình thế sau chuyến hàng viên trợ nhân đạo thứ nhất của Nga, chuyến hàng thứ 2 đã đến Lugansk, chuyến hàng thứ 3 cũng đã tới Donetsk và tiếp tục chuyến hàng thứ 4 đang được chuẩn bị.

Các chuyên gia phân tích thế giới đang cho rằng, có những liên quan nhất định của những chuyến hàng trước với “sự quật khởi đáng ngờ” của quân ly khai. Hiện các chuyến hàng viện trợ này đang là tâm điểm theo dõi của cộng đồng quốc tế bởi Mỹ-NATO-Ukraine đang cáo buộc Nga tuồn vũ khí qua đó.

Tất cả những động thái trên cho thấy rằng, Kiev chưa sẵn sàng giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine bằng các biện pháp chính trị hòa bình và phe ly khai chắc chắn cũng không chịu nhượng bộ. Hành động của cả 2 bên trong những ngày qua cho thấy, hòa bình ở đông nam Ukraine là viễn cảnh rất xa vời.