Báo Trung Quốc: Châu Âu “tiếp sức” cho chạy đua vũ trang tại châu Á

ANTĐ -  Châu Âu đang trở thành nhân tố làm nghiêm trọng hơn cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á bằng cách chấp nhận bán vũ khí cho khu vực này, trang Huanqiu, trực thuộc Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, nhận định. 

Châu Á đang trở thành thị trường khổng lồ cho các nhà sản xuất vũ khí với tổng giá trị thương mại vượt qua 1 tỉ USD mỗi năm. Các công ty của Đức, Pháp và Anh đều đã từng bán vũ khí cho hầu hết các nước châu Á. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng gấp 3 lần trong thập kỉ qua trong khi chi tiêu quân sự của Indonesia cũng tăng gấp 2 lần trong cùng thời gian này. Ấn Độ lại vừa trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Châu Á đang trở thành thị trường tiêu thụ vũ khí lớn cho các nhà sản xuất châu Âu

Mặc dù các chính trị gia châu Âu đều phản đối việc gây ảnh hưởng đến chính sách an ninh tại khu vực châu Á, tuy nhiên, các hãng chế tạo vũ khí của châu Âu đều được cho là có đóng góp vào cuộc chạy đua vũ trang tại châu lục này. Nhiều công ty châu Âu đã sử dụng vũ khí xuất khẩu sang châu Á như một cách để duy trì năng lực và giả quyết các vấn đề tài chính của mình, trang Huanqiu của Trung Quốc nhận định.

Indonesia đã mua nhiều xe tăng từ châu Âu trong khi Singapore cũng đã mua nhiều xe tăng và tàu ngầm. Các nước châu Âu cũng bán tàu ngầm cho Hàn Quốc và nhiều máy bay chiến đấu hiện đại cho Ấn Độ. Trung Quốc còn mua một loạt công nghệ quốc phòng từ châu Âu, có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự.

Theo trang Huanqiu, chính sách của các nước châu Âu đối với châu Á không có một định hướng cụ thể. Trang mạng này cho rằng các nước châu Âu không hề quan tâm đến an ninh, lợi ích chính trị hay nghĩ tới các tác động của việc bán vũ khí cho các nước châu Á. Các công ty vũ khí châu Âu luôn muốn cạnh tranh với nhau và điều duy nhất họ quan tâm là lợi ích của riêng mình, trang Huanqiu nhân định.

Mặc dù vai trò của châu Âu trong thị trưởng vũ khí toàn câu vẫn còn tương đối nhỏ so với Mỹ, Nga và Trung Quốc, tuy nhiên, châu Âu đang tăng cường sự ảnh hưởng của mình bằng các liên kết chính trị nhằm mở rộng giao thương và hợp tác quân sự.