Ấn Độ muốn tự chế tạo toàn bộ, chấm dứt việc nhập khẩu tên lửa

ANTĐ -   Theo Avinash Chander, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO), trực thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ, nước này có thể tự chế tạo hoàn toàn tên lửa phòng thủ cho mình vào năm 2022.

“Mục đích của chúng tôi là khiến Ấn Độ không phải mua tên lửa từ nước ngoài vào năm 2022”, tờ Press Trust trích lời ông Avinash Chander, người đứng đầu DRDO Ấn Độ.

Ông Chander cũng tiết lộ rằng, DRDO đang phát triển tên lửa không đối không Astra, sử dụng trên phi cơ chiến đấu Su-30MKI, tên lửa hành trình cận thanh Nirbhay và tên lửa chống tăng.

Ấn Độ muốn tự chế tạo toàn bộ, chấm dứt việc nhập khẩu tên lửa ảnh 1

Ấn Độ không muốn phụ thuộc nước nào khác trong việc sản xuất tên lửa

Vào hôm 17-10-2014, DRDO đã phóng thử thành công tên lửa Nirbhay có tầm bắn 1.000 km. Tên lửa này đã được phát triển từ năm 2007 và thiết kế cho cả không quân, hải quân, lẫn bộ binh Ấn Độ. Nó cũng có thể mang được nhiều đầu đạn cùng lúc, bao gồm cả hạt nhân.

Quá trình chuẩn bị cho việc phóng thử tên lửa Agni-5 cũng đã kết thúc và nó có thể được phóng ngay trong thời gian tới từ đảo Wheeler của vịnh Bengal. Tên lửa này sẽ được đặt trên hệ thống phóng lưu động và đi vào sử dụng trong năm 2016.

Trong vòng một năm tới, không quân Ấn Độ cũng có thể nhận được phiên bản hải quân của tên lửa hành trình siêu thành BrahMos dành cho Su-30MKI.

Theo lời của chủ tịch Liên doanh Nga-Ấn “BrahMos Aerospace”, Sudhir Kumar Mishra, nói trong một bài phỏng vấn với phóng viên hãng thông tấn TASS, Ấn Độ đang có ý định kí một thoả thuận với Nga về việc cùng nhau phát triển một phiên bản nhỏ hơn của tên lửa BrahMos. Tên lửa này có thể lấy tên là BrahMos-M (mini) và cần 3 năm để hoàn thành.

Trong vòng 10 năm tới, liên doanh này cũng đã sẵn sàng tự sản xuất tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos.