Xé lòng chuyện "thuốc thư, ma lai" chuyên "bay nhảy ăn thịt người"

ANTĐ - Người Ba Na, Gia Rai xưa quan niệm, “ma lai” là thứ ma không hình thù, chuyên bay nhảy ăn thịt người hay súc vật chết, và người có “ma lai” làm ra thuốc thư, nên chỉ cần ghét ai thì sẽ bỏ thuốc thư cho đến chết...

Giữa đại ngàn Gia Lai, có nhiều người đang bị cộng đồng xa lánh vì hủ tục: Thuốc thư. Xuất phát từ quan niệm của người Ba Na, Gia Rai xưa, “ma lai” là thứ ma không hình thù, chuyên bay nhảy ăn thịt người hay súc vật chết, và người có “ma lai” làm ra thuốc thư, nên chỉ cần ghét ai thì sẽ bỏ thuốc thư cho đến chết. Từ mê tín cổ hủ ấy, biết bao nỗi đau đã và đang xảy ra trên vùng rẻo cao này...

Bà H’Nheo - thầy mo chuyên giải thuốc thư cũng chẳng biết thuốc thư là gì.

Bà H’Nheo - thầy mo chuyên giải thuốc thư cũng chẳng biết thuốc thư là gì.


Nỗi đau mang tê
n “thuốc thư”

Cách đây 4 năm, làng Đắc Yă, xã Đắc Yă, H. Mang Yang đang yên bình bỗng rúng động bởi 2 vụ án mạng làm 3 người chết, nhiều căn nhà, tài sản bị đập phá. Nỗi đau ấy xuất phát từ hủ tục thuốc thư. Thời đó, làng Đắc Yă có Duân và Kel (cùng sinh năm 1982) hay trộm cắp tài sản của người dân các làng lân cận. Một buổi chiều đầu tháng 3-2007, vài người dân đã lựa lời khuyên, nhưng Duân và Kel phớt lờ và đáp lại rằng: Bọn tao trộm của làng khác, đừng đứa nào xen vào không chúng tao sẽ thuốc thư cho chết. Lời buột miệng của Duân và Kel khiến dân làng nghi ngờ. Tình cờ, sau đó một tuần thì trong làng có bà H’Blin phát bệnh, lăn ra chết. Nghi ngờ Duân và Kel gây họa, khuya 10-3-2007, hàng chục thanh niên làng kéo đến nhà Duân đập phá nhà, tài sản. Biết chuyện, sau khi đi uống rượu về, Duân vác dao rựa đến nhà rông chửi bới, đe dọa thì bị nhóm thanh niên đang ngủ ở nhà rông đánh chết. Hôm sau, nhóm thanh niên lại đến đập phá nhà Kel rồi lên đánh Kel và ông Hnhêu (bố của Kel) đến chết.

Sau 2 vụ án mạng, cơ quan công an đã làm rõ các đối tượng gồm Hlin (1980), Yưk (1984), Ngin (1989), Uônh (1987), Hưn (1982), Hlinh (1989), Kưh (1980) là thủ phạm và tòa tuyên án Hlin 9 năm tù, các đối tượng còn lại mỗi người 7 năm tù. 

Bà Pok, xã Đắc Yă đã nhiều năm bị bà con xa lánh vì bị nghi có thuốc thư.

  Bà Pok, xã Đắc Yă đã nhiều năm bị bà con xa lánh vì bị nghi có thuốc thư.

Hiện nay, trên những vùng rẻo cao Gia Lai vẫn còn đó bao phận người đang sống dở chết dở vì hủ tục thuốc thư. Bà Pok (1937, trú xã Đắc Yă) suốt từ năm 2006 đến nay không có một giấc ngủ ngon sau lần bị người dân xua đuổi vào rừng vì nghi ngờ có thuốc thư hại người. Bà Pok rầu rĩ: Tôi lấy chồng về sống tại Đắc Yă đã 50 năm. Trước đây tôi là thầy mo, hay đi cúng cho dân làng cầu mưa. Chẳng hiểu sao dân làng đột nhiên “phán” tôi có thuốc thư, rồi đuổi đánh. Sợ hãi, tôi phải bỏ vào rừng dựng lều lánh nạn gần 1 năm mới quay về sau khi có sự can thiệp của chính quyền và cơ quan công an. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ vài người trong làng dám nói chuyện với tôi, còn lại ai cũng xem tôi như ma. Được hỏi, bà có biết thuốc thư là gì không? Bà Pok đáp: “Tôi không biết gì mà. Nó màu vàng, màu trắng hay màu đen tôi có thấy bao giờ đâu”.

Một người cũng bị nghi ngờ có thuốc thư là ông Rah Lan Len (trú làng Bon Tkhế, xã Ia Tul, H. Ia Pa) đang rất lo lắng. Cách đây vài tháng, nhà Rah Lan Luyến cúng Giàng. Bữa đó, vợ ông là bà Rơ Ô Priu nhất quyết không uống ly rượu mời của ông Hbel vì đã ngà say, thế là ông Hbel nghi vợ chồng ông có thuốc thư bỏ vào rượu. Những ngày sau đó, cả làng nhìn vợ chồng ông đầy nghi kỵ, ai cũng xa lánh. Chính quyền vào cuộc cũng chẳng ăn thua gì. “Tôi một đời cống hiến cho cách mạng, đã 50 năm tuổi Đảng, có hại ai bao giờ đâu. Vậy mà chỉ vì lời nói không căn cứ của Hbel trong lúc say rượu, gia đình tôi bị dân làng xa lánh” - ông Len buồn bã.

Lãnh đạo CAH Mang Yang trao đổi với phóng viên về hủ tục thuốc thư.

 Lãnh đạo CAH Mang Yang trao đổi với phóng viên về hủ tục thuốc thư.

Xóa bỏ hủ tục còn lắm cam go

Nhắc chuyện ông Len, Trưởng CAX Ia Tun - Rơ Ô Blố cho hay: “Sự việc xảy ra chỉ do lời nói đùa trong lúc say rượu. Chính quyền địa phương vào cuộc, thường xuyên tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân, nhưng vẫn khó thay đổi suy nghĩ vốn đã tồn tại bao đời”. Chúng tôi tìm đến nhà Hlin, một trong 7 người đã gây ra cái chết cho Duân và Kel ở làng Đắc Yă. Hlin bảo, thời đó nghe dân làng nói đến thuốc thư nên mình bức xúc kêu thanh niên đánh Kel và Duân, chứ không biết thuốc thư là gì. Ngày ra trại, mình và 6 người còn lại đã mua con lợn đến gia đình các nạn nhân xin lỗi, mong được tha thứ.

Đứng trước ngôi nhà của Kel cùng cha ruột Hnhêu, đồng chí H’Lây - Trưởng CAX Đắc Yă bảo rằng: Gia đình ông Hnhêu xưa nay sống rất hòa thuận với bà con, nhưng chỉ vì hủ tục lạc hậu, hai người đã bị chết oan, thật đau lòng. Cũng từ đó, ngôi nhà bị bỏ hoang đến nay. Cách đó vài trăm mét, ngôi nhà của Duân cũng bỏ hoang vì gia đình đã đi nơi khác ở sau chuyện Duân bị nghi có thuốc thư và bị đánh chết.

Thuốc thư là gì? Chúng tôi đặt câu hỏi này với bà H’Nheo (trú làng Đắc Trôk, xã Đắc Yă) - người mà đồng bào nơi đây xem là thầy mo chuyên giải thuốc thư. Bà H’ Nheo lắc đầu: Mình có biết cái mặt thuốc thư là cái gì đâu. Dân làng nhờ thì mình cúng. Cúng xong mình cho người ốm uống cốc nước, ăn một quả trứng luộc, có người khỏi, người không. Chúng tôi cũng gặp nhiều thầy mo ở Mang Yang,  Ia Pa... nhưng tất cả đều lắc đầu, không biết thuốc thư là gì. 

Ngôi nhà của Kel bị bỏ hoang đã nhiều năm qua.

 Ngôi nhà của Kel bị bỏ hoang đã nhiều năm qua.

Theo đại tá Trần Văn Thọ - Trưởng CAH Mang Yang thì cứ nghe người dân nhắc chuyện “ma lai”, thuốc thư là chúng tôi đau đầu, phải xuống ngay cơ sở giải quyết ANTT. Mới đây nhất là cuối năm 2010, ở TT Kon Dỡng cũng xảy ra vụ mâu thuẫn liên quan đến thuốc thư. Khi ấy, thanh niên tên Jêl trong lúc đang say rượu đã hô rằng mình có thuốc thư. Nghe vậy, nhóm thanh niên trong bàn nhậu nổi điên, gây sự thì bị Jêl dùng một loại bột cây có độc thổi vào nhóm thanh niên khiến nhiều người bị phù nề. Biết chuyện, người dân đánh đuổi Jêl ra khỏi làng, nhưng sự việc đã được chính quyền ngăn chặn, giải thích cho dân hiểu. Vậy là Jêl và gia đình nộp 10 ghè rượu, một con bê theo phong tục để xin lỗi làng.

Rõ ràng, ở những miền sơn cước Gia Lai, không ai biết “ma lai” hay thuốc thư là gì, mà chỉ do sự thiếu hiểu biết, nhận thức lạc hậu đã dẫn đến bao chuyện đau lòng. Chưa có con số chính xác, nhưng theo thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng tỉnh thì khoảng 4 năm trở lại đây, đã có khoảng 10 người bị đánh chết vì nghi có thuốc thư, hàng chục căn nhà bị đập phá, xô đổ và hàng trăm người thân của người nghi có thuốc thư bị cộng đồng xa lánh. Trong khi đó, chính quyền các cấp đã, đang nỗ lực tuyên truyền, nhưng để xóa bỏ được hủ tục này còn lắm cam go...