Vị tướng về hưu chưa một ngày ngơi nghỉ

ANTĐ - Tuy đã nghỉ hưu, song như ông nói "sự sống chưa một ngày ngơi nghỉ". Ông vẫn còn bao nhiêu việc phải làm. Trong đó, ông coi việc đi tìm đồng đội là mệnh lệnh của trái tim.

Vị tướng về hưu chưa một ngày ngơi nghỉ ảnh 1Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (ngoài cùng bên phải) với những người lính tăng trẻ tuổi

Ông Tướng mê bóng đá

Tôi làm cộng tác viên cho một số tờ báo, chuyên viết về phong trào thể dục thể thao, đặc biệt là bóng đá nên có nhiều lần tiếp xúc với Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, Tư lệnh Quân khu 4 (QK4), đồng thời cũng là "ông bầu"  đội bóng đá QK4. Mỗi lần đội bóng áo lính QK4 vào trận, dù ở sân nhà hay sân khách, nếu không bận việc, "bầu" Hưởng đều có mặt tại khu vực kỹ thuật để kịp thời động viên các cầu thủ đá hết mình vì màu cờ sắc áo. Đội bóng đá QK4 thời ông còn làm Tư lệnh QK4 là một trong những đội bóng mạnh của làng bóng đá Việt Nam. Mùa bóng năm 2008, đội QK4 vượt lên nhiều "đại gia" có tiềm lực như T&T Hà Nội, Sông Lam Nghệ An, Ninh Bình… để giành Cúp vô địch quốc gia. 

Ông rất quan tâm chăm sóc đội bóng "con cưng" của mình, và các cầu thủ cũng quý mến ông, coi ông như người cha tinh thần. Khi nghỉ hưu, ông tâm sự: "Tôi thấy mình vẫn còn nợ bóng đá. Chính xác hơn, tôi nợ đội QK4 khi chưa đưa được tên tuổi QK4 lên chuyên nghiệp". 

Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa phát hành cuốn sách "Những tháng ngày đẹp nhất" của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng. Mở đầu cuốn sách, ông viết:  “Với tôi, sau khi rời quân ngũ, sự sống chưa một ngày ngơi nghỉ. Bởi còn bao công chuyện gia đình, đoàn thể… Tuy nhiên, cũng có nhiều khoảng lặng trong sự sôi động đó, để tôi ngoái nhìn dĩ vãng". Ông bật mí, ông chính là hậu duệ của Đốc tướng Đoàn Như Hài, danh thần dưới triều vua Trần Anh Tông. Được hưởng sự giáo dục của nhà trường XHCN, của Đảng, của quân đội, ông luôn sống có trách nhiệm, có lý tưởng "nước còn giặc, còn đi đánh giặc" để có "những ngày tháng đẹp nhất" trên trận tuyến đánh quân thù. 

Những trận đánh để đời

Ông kể, từ ngày 29-9-1966, ông rời đất Bình Ngọc, Móng Cái, Quảng Ninh, qua bến đò ngang, ca khúc "Hành quân xa", cho đến khi thôi giữ chức Tư lệnh QK4, vừa tròn 43 năm quân ngũ. Gần nửa thế kỷ mặc quân phục nhà binh, ông tướng trận mạc tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ.19 tuổi, sau 3 tháng luyện "đôi chân đồng, vai sắt", ông cùng  đồng đội từ thao trường hành quân một mạch vào chiến trường, tham gia thử lửa trận Khe Sanh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Lúc đó, Đoàn Sinh Hưởng là Tiểu đội trưởng cối 82 ly thuộc Trung đoàn 88. Sau trận đánh, Đoàn Sinh Hưởng được tặng Danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, được kết nạp Đảng tại chiến hào nghi ngút khói đạn.

Tại mặt trận Tây Nguyên, Đoàn Sinh Hưởng giữ cương vị Đại đội trưởng Đại đội 9, Trung đoàn xe tăng 273, đánh trận Đắc Pét nổi tiếng, trên đường 14. Đội hình tăng Đại đội 9 gầm vang nã đạn vào các cứ điểm của giặc, tạo uy lực lớn cho bộ đội xung phong làm chủ trận địa, tiêu diệt toàn bộ Tiểu đoàn Biệt động 88 ngụy thuộc cụm cứ điểm liên hoàn.

Trong chiến dịch Buôn Mê Thuột, Đại đội tăng của Đoàn Sinh Hưởng được giao nhiệm vụ đánh thẳng vào trung tâm thị xã Buôn Mê Thuột. Trên đường hành quân chiếm lĩnh trận địa, Đại đội 9 đã đánh tan quân địch ở kho Mai Hắc Đế, bắn cháy 2 chiếc M113, bắt sống tên Đại tá Luật, Phó tỉnh trưởng tỉnh Đắc Lắc, bắt sống trên 100 tên địch, đánh tan khu truyền tin, khu Bộ tham mưu, chiếm Sở chỉ huy Sư bộ 23 ngụy. 

Từ Buôn Mê Thuột, Đại đội 9 được lệnh hành quân vào Sài Gòn theo đường 14. Tại cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn, bất ngờ Đại đội 9 gặp 29 xe tăng địch. Đại đội 9 chỉ có 4 xe tăng, Đoàn Sinh Hưởng lập tức cho đội hình xe lùi lại, ém sang hai bên đường đánh theo kiểu "lấy ít địch nhiều". Khi đoàn xe địch lọt vào trận địa mai phục, Đại đội trưởng hạ lệnh bắn vào chiếc đi đầu và chiếc khóa đuôi, khiến đội hình địch hoảng loạn dạt cả xuống cánh đồng sình lầy. Đoàn Sinh Hưởng bình tĩnh chỉ huy bắn tỉa từng xe tăng địch. Lúc cháy đến chiếc thứ 12, địch hoảng loạn mất khả năng chiến đấu, dương cờ trắng xin đầu hàng. Trận đánh kết thúc, Đai đội 9 củng cố đội hình, tiếp tục tiến đánh trại Quang Trung tại ngã tư Bảy Hiền, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy.

21h30 ngày 12-9-1975, khi Đoàn Sinh Hưởng bật đài bán dẫn nghe chương trình thời sự, thật bất ngờ nghe tin mình được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, khi ấy, người lính tăng mới tròn 26 tuổi.