Vai gầy nặng gánh

(ANTĐ) - Chồng bị tai nạn lao động rồi mất, để lại cho người vợ hai đứa con thơ dại cùng bố mẹ chồng già yếu, bệnh tật. Mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai gầy guộc của người phụ nữ ấy.

Vai gầy nặng gánh

(ANTĐ) - Chồng bị tai nạn lao động rồi mất, để lại cho người vợ hai đứa con thơ dại cùng bố mẹ chồng già yếu, bệnh tật. Mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai gầy guộc của người phụ nữ ấy.

Cả gia đình chị Thủy sống trong căn nhà nhỏ ọp ẹp
Cả gia đình chị Thủy sống trong căn nhà nhỏ ọp ẹp

Bi kịch ập đến

Chúng tôi tìm về nhà chị Vũ Thị Thủy ( xóm Trung - Mai Xá - Mỹ Xá, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) vào một buổi chiều cuối đông. Trong căn nhà nhỏ tạm bợ, tuềnh toàng, lụp xụp rộng chưa đầy 20m2 nằm sâu trong con ngõ nhỏ, một người phụ nữ trạc ngoài 40 tuổi đang ngồi thẫn thờ trước bàn thờ nhỏ.

Thấy chúng tôi vào, người phụ nữ đứng dậy với những bước đi khó nhọc, xiêu vẹo chỉ chực ngã. Gặp chị, người ngoài rất dễ bị nhầm lẫn về tuổi tác. Có lẽ những sóng gió và vất vả của cuộc đời đã khiến cho chị trông có vẻ già nua, khắc khổ hơn nhiều so với tuổi 40 của mình.

Bi kịch ập xuống gia đình nhỏ bé của chị như một định mệnh. Năm 2008, chồng chị - anh Hoàng Khắc Lã trong khi đi làm bốc vác vật liệu xây dựng ở Hà Nội (theo hợp đồng thời vụ, không có bảo hiểm), không may bị tai nạn lao động gây chấn thương sọ não phải cắt bỏ 1/4 hộp sọ. Mặc dù lúc đó kinh tế rất khó khăn nhưng chị và gia đình vẫn cố gắng ngược xuôi vay mượn khắp nơi được hơn 100 triệu đồng với một ước mong duy nhất là chạy chữa cho anh qua cơn hiểm nghèo. “Suốt 2 tháng nằm điều trị tại bệnh viện Việt - Đức, mỗi ngày hết hơn 2 triệu đồng tiền thuốc nhưng anh vẫn rơi vào trạng thái sống thực vật” - chị ngậm ngùi.

Sau 2 tháng nằm điều trị tại bệnh viện, phần vì số tiền vay mượn đã cạn, phần vì sức khỏe của anh Lã cũng không hề có dấu hiệu tiến triển nên chị và gia đình đã quyết định đưa anh về nhà để tiện chăm sóc. Trong suốt quãng thời gian đó, một mặt chị phải thay chồng cáng đáng tất cả mọi công việc của gia đình, mặt khác chị phải ngày đêm túc trực bên cạnh giường bệnh để chăm sóc cho anh. Mặc dù vậy sức khỏe của anh cứ yếu dần, yếu dần rồi mất khi đang ở tuổi 44.

Chồng mất đi để lại cho chị 2 đứa con thơ dại, cháu lớn là Hoàng Thị Lý năm nay mới 11 tuổi, cháu nhỏ Hoàng Thị Hà năm nay lên 8 tuổi. Nuốt nước mắt vào trong, chị tự nhủ phải cố gắng chăm sóc, nuôi nấng 2 đứa con nhỏ học hành nên người. Thương mẹ vất vả, cả 2 đứa đều rất ngoan, luôn cố gắng chăm chỉ học tập tốt để làm vui lòng mẹ, học kỳ nào cả hai đều giành danh hiệu học sinh khá, giỏi.

Quyết tâm là vậy nhưng rồi: “Do hoàn cảnh khó khăn quá nên tôi đành phải gửi cháu Lý vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi và trẻ có hoàn cảnh khó khăn vì không lo cho cháu được” - chị thở dài. Ngày Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi và trẻ có hoàn cảnh khó khăn về tiếp nhận cháu Lý, cảnh 3 mẹ con quấn quýt nhau không rời khiến nhiều người chứng kiến không cầm được nước mắt.

Còn đó nỗi lo cơm áo

Kể từ lúc vào Trung  tâm, chỉ những dịp hè và Tết, cháu Lý mới về thăm gia đình và người thân vài ngày. Chị kể, nhiều đêm trong căn nhà trống vắng, vừa ôm đứa bé ngủ, nước mắt lại rơi bởi thấy thương chồng và nhớ đứa lớn quá, những lúc như vậy, chị lại trở dậy ra hè âm thầm ngồi khóc một mình. Sáng ra, cháu Hà hỏi vì sao mắt mẹ sưng, chị lại quay mặt đi cố giấu những giọt nước mắt đang trào ra.

Từ ngày anh mất, chị Thủy trở thành người trụ cột gánh vác hết mọi công việc trong gia đình. Sáng đi nấu cơm thuê, tối về làm đủ mọi việc vặt trong gia đình và tranh thủ hái thêm vài mớ rau trong vườn để sáng sớm mang ra chợ bán rồi đi làm luôn. “Đi làm vất vả là vậy nhưng mỗi tháng chỉ kiếm được khoảng 600 nghìn  đồng. Nhiều đêm không ngủ được cứ nghĩ sáng mai phải làm gì để nuôi con, để có tiền cho con ăn học. Lúc nào tôi cũng nghĩ phải cố gắng vượt qua. Thôi còn một đứa thì cố lo cho con ăn học đàng hoàng” - chị Thủy tâm sự.

Khi nói về hoàn cảnh của gia đình chị Thủy, trưởng xóm Trần Quang Định cho biết: “Gia đình chị Thủy là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất trong thôn, chồng đã mất để lại 2 đứa con còn nhỏ dại và bố mẹ chồng đã già yếu, nay ốm, mai đau. Thôn xóm và bà con láng giềng cũng chỉ giúp đỡ chị Thủy được phần nào đó về mặt tinh thần thôi. Còn vật chất thì bà con xung quanh kinh tế vẫn còn khó khăn lắm, chẳng giúp đỡ được gì cả. Giờ chị ấy một thân một mình như vậy, khổ lắm”.

Bây giờ, hình ảnh người phụ nữ lọc cọc đạp chiếc xe đạp nhỏ chở vài mớ rau ngót đi từ sáng sớm tinh mơ đến tận tối mịt mới về đã quá quen thuộc với bà con chòm xóm. Bên cạnh việc phải lo cuộc sống hàng ngày cùng với tiền đóng học cho con, chị còn phải cố gắng làm để có tiền trả số nợ hơn 100 triệu đồng khi trước vay để chạy chữa cho chồng. Hội Phụ nữ của xã cũng thỉnh thoảng cử người đến động viên chị. Anh em, họ hàng chỉ đỡ được phần nào còn bố mẹ chồng đều đã già yếu, nay ốm mai đau nên tất cả đều đổ dồn lên đôi vai gầy guộc của chị.

Chia tay gia đình chị Thủy khi hoàng hôn đang dần buông xuống nhưng trong chúng tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh bố mẹ chồng chị rưng rưng nước mắt mà nắm lấy tay chúng tôi nói: “Chúng tôi cũng già yếu lắm rồi, chẳng biết sống chết lúc nào, chỉ thương cho 2 đứa cháu còn quá nhỏ đã mồ côi bố, còn mẹ nó thì vất vả quá các cô, các chú ơi!”.

Hải Lâm - Nguyễn Hải