Chàng trai trẻ mê nhà rường cổ (2):

Ước mơ đưa nhà rường vươn ra thế giới

ANTĐ - “Tính mình lạ lắm, mình chỉ làm những gì đam mê, kể cả trong chuyện làm ăn. Mình đến với nhà rường cũng vì thế, ngoài chuyện làm ăn thì đó còn là đam mê”, Quế bộc bạch.

Ước mơ đưa nhà rường vươn ra thế giới ảnh 1
Làm lễ trước khi dựng nhà rường
Quế kể ông nội của anh vốn là một người thợ giỏi về nhà rường ở Huế, từng được chọn vào cung tham gia làm nhà rường cho vua chúa. Từ nhỏ Quế cũng đã tiếp xúc với tiếng đục đẽo, những hoa văn được ông mình tạo ra trên những thớ gỗ. Tuổi thơ anh cũng mê mẩn với những hoạ tiết đó nhưng từ khi lớn lên với bộn bề lo toan anh cũng quên bẵng đi chuyện ông nội mình từng là thợ nhà rường giỏi ngày xưa. “Chỉ đến khi mình quyết định mở cơ sở phục chế nhà rường thì những am tường về nhà rường của ông nội mới được mình xem là bí quyết gia truyền. Thế là hàng tháng trời mình về nhà ông nội để tìm hiểu, học hỏi những ngón nghề. Sau khi đã lĩnh hội được những kiến thức cơ bản về nhà rường cũng là lúc mình quyết tâm thực hiện phục chế nhà rường”, Quế kể. Quế cho biết, cơ sở của anh được mở tại thị trấn Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Lúc ấy cơ sở của anh là một trong những cơ sở hiếm hoi về nhà rường khá quy mô và uy tín ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ước mơ đưa nhà rường vươn ra thế giới ảnh 2
Lau chùi các bộ phận nhà rường trước khi dựng nhà
Qua các mối quan hệ quen biết và những người bạn, anh đã “chiêu mộ” được rất nhiều thợ giỏi về làm tại cơ sở của mình. Do nhu cầu thị trường nhà rường ngày càng sôi động, việc làm ăn của anh cũng trở nên khấm khá. “Vì lý do gì đang làm ăn phất lên ở Huế thì anh lại chuyển ra Quảng Trị?”, tôi hỏi. “Cũng có nhiều nguyên nhân như mình là con rể của Quảng Trị, nhà vợ mình nằm ngay chân cầu Trắng ở thị xã Quảng Trị. Nhưng lý do chính là mình đã nhìn thấy được tiềm năng về nhà rường ở Quảng Trị rất lớn. Ngoài ra nguồn tài nguyên về nhà rường ở Quảng Trị vẫn còn rất dồi dào...”. Vậy là sau tạo dựng được “thương hiệu nhà rường” ở Huế, đầu năm 2010 Quế quyệt định dời xưởng nhà rường ra Quảng Trị thuê đất rồi dựng ở thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng. “Mới đầu cũng còn khó nhưng nay thì ổn rồi, các khách hàng quen đã trở lại và nhiều khách hàng mới cũng tìm đến. Đơn hàng làm không xuể dù trong cơ sở mình luôn có 30 nhân công, trong đó có nhiều thợ giỏi đến từ Huế và các làng nghề làm nhà rường ở Quảng Trị”, Quế vui mừng cho hay.
Ước mơ đưa nhà rường vươn ra thế giới ảnh 3
Dựng khung nhà rường
Say sưa đục đẽo bên chiếc kèo đã gần hoàn thiện, anh Ngô Văn Trí, 43 tuổi, đến từ thôn Văn Quỹ, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng- là “nhạc trưởng” của cánh thợ tại đây- vui mừng cho biết: “Khi nghe Quế mời về làm quả thực tôi rất vui. Bởi ngoài thu nhập khá cao thì tôi còn có đất dụng võ, lại ngay chính trên quê hương mình”. Anh Lê Sỹ Hậu, 42 tuổi, thợ chạm đến từ Huế cũng góp chuyện: “Tôi theo làm cho Quế lâu rồi, nói chung nghề này cũng đi nhiều. Hễ có người ở xa kêu đi dựng nhà thì cũng phải đi. Nhưng thu nhập cũng khấm khá”. Với những thợ có tay nghề cao, mỗi ngày Quế trả công 200.000 đồng/người. Ngoài ra số thợ chạm trổ, trong cơ sở của Quế luôn có khoảng 20 nhân công người địa phương làm các công việc như cưa xẻ gỗ, đánh nhám, đánh bóng... với thu nhập ổn định.
Ước mơ đưa nhà rường vươn ra thế giới ảnh 4
Cố định các bộ phận nhà rường
Quế cho biết, hiện tại cơ sở của anh đã dần ổn định, nhiều khách hàng đã biết đến. “Uớc mơ của mình là làm sao cho những ngôi nhà rường Huế, Quảng Trị nói riêng và nhà rường miền Trung nói chung sẽ được khách hàng khắp cả nước biết đến. Và xa hơn nữa, mình ước ao một ngày nào đó sẽ đưa được nhà rường cổ Việt Nam xuất ngoại sang các nước châu Âu, châu Mỹ... để vừa quảng bá được hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, thanh bình vừa để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về những giá trị văn hoá tàng ẩn trong những ngôi nhà rường cổ quý giá của Việt Nam.